Số phận của những vị “vua trẻ” trong sử Việt

“Vua trẻ con” dùng để chỉ những vị vua lên ngôi khi chưa 15 tuổi. Trong đó, có vua sau khi trưởng thành ghi dấu ấn trong lịch sử, nhưng cũng có vua mệnh mỏng, chết đi trước khi đủ lớn để tự khẳng định mình, và họ vĩnh viễn rời khỏi vũ đài chính trị với tư cách là những vị “vua trẻ con” mà thôi.

Số phận của những vị “VUA TRẺ” trong sử Việt

1. Đinh Phế Đế Đinh Toàn (974 – 1001): Vua trẻ con đầu tiên trong lịch sử phong kiến nước ta, lên ngôi khi 6 tuổi, làm vua chưa đầy 1 năm. Sau khi Lê Hoàn lên ngôi, Đinh Toàn được phong làm Vệ Vương. Năm 1001, trong dịp cùng vua Lê Đại Hành đi dẹp loạn, Đinh Toàn bị trúng tên, mất năm 27 tuổi.

2. Lý Nhân Tông Lý Càn Đức (1066 – 1127), là vị vua thứ 4 của triều Lý, lên ngôi khi 6 tuổi, trị vì tổng cộng 55 năm. Dưới thời trị vì của Nhân Tông “nước Việt phồn vinh, dân được giàu đông”.

3. Lý Thần Tông Lý Dương Hoán (1116 – 1138), là vị vua thứ 5 của nhà Lý, lên ngôi năm 11 tuổi. Thời Thần Tông nhân dân no đủ, nhưng ông cũng chỉ trị vì được 10 năm rồi mất khi còn rất trẻ.

4. Lý Anh Tông Lý Thiên Tộ (1138-1175), là vị vua thứ 6 của nhà Lý, lên ngôi khi mới 3 tuổi. Vua còn nhỏ, Lê Thái hậu nắm quyền nhiếp chính tư thông với Đỗ Anh Vũ làm triều chính đảo điên. Nhờ có các trọng thần như Tô Hiến Thành gánh vác, nếu không triều đình đã nát. Anh Tông làm vua được 37 năm, mất năm 40 tuổi.

5. Lý Cao Tông Lý Long Trát (1173 – 1210), là vị vua thứ 7 của nhà Lý, lên ngôi năm 3 tuổi. Khi còn nhỏ, Cao Tông tỏ ra ngoan hiền, chăm học hỏi, nhưng khi lớn lên ông càng ngày càng trở nên “bung lụa”, tin cậy hoạn quan, nhân dân đói khổ, nổi dậy khắp nơi, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy.

6. Lý Chiêu Hoàng Lý Phật Kim (1218-1278), là vị vua thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý, lên ngôi khi 7 tuổi, tới 8 tuổi thì nhường ngôi cho Trần Cảnh.
–> Triều Lý có 9 đời vua thì đã có tới 5 vị lên ngôi ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, nhi đồng. Âu cũng là cái dở của nhà Lý.

7. Trần Thái Tông Trần Cảnh (1218-1277), là vị vua đầu tiên của nhà Trần, lên 7 tuổi được đưa vào cung làm hầu cận cho Lý Chiêu Hoàng, lên 8 tuổi được lấy nữ hoàng làm vợ và được nhường ngôi báu.

8. Trần Minh Tông Trần Mạnh (1300 – 1357), là vị vua thứ 5 của nhà Trần, lên ngôi lúc 14 tuổi. Trần Minh Tông tính tình nhân hậu, biết trọng người tài. Minh Tông được sử cũ khen ngợi là một ông vua sáng suốt, dù không phải là không có tỳ vết.

9. Trần Hiến Tông Trần Vượng (1319 – 1341), là vị vua thứ 6 của nhà Trần, lên ngôi khi 10 tuổi. Hiến Tông tuy cai trị trên danh nghĩa, nhưng việc điều khiển triều chính đều do cha là Thái thượng hoàng Trần Minh Tông xử lý. Hiến Tông mất sớm, khi mới 23 tuổi. Theo sử sách đánh giá, vua là một người “tư trời tinh anh và sáng suốt”.

10. Trần Dụ Tông Trần Hạo (1336 – 1369), là vị vua thứ 7 của nhà Trần, lên ngôi khi 5 tuổi. Dụ Tông thông minh, có học vấn, buổi đầu lại được những trung thần có tài giúp sức, nên chính sự tốt đẹp. Nhưng quãng đời về sau lại càng nát, bị bọn gian thần lũng đoạn.

11. Trần Thuận Tông Trần Ngung (1378 – 1398), là vua thứ 11 triều Trần, lên ngôi khi 11 tuổi. Vua chỉ làm bù nhìn vì mọi quyền lực đều nằm trong tay Hồ Quý Ly. Làm vua được 10 năm, 1 năm đi tu và bị Hồ Quý Ly giết năm 22 tuổi. Poor vua!

12. Trần Thiếu Đế Trần Án (1396 – ?), là vị vua thứ 12 và là vị vua cuối cùng của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, lên ngôi khi 3 tuổi ba năm sau thì bị Hồ Quý Ly bức phải nhường ngôi. Nhà Trần mất về tay nhà Hồ.

–> Vì triều Trần có lệ vua cha khi còn sống đã truyền ngôi cho con và mình lên làm thượng hoàng, vì vậy các vua Trần đều lên ngôi khi tuổi còn rất trẻ, hầu hết được đặt lên ngai vàng trong tình thế bất thường.

13. Lê Thái Tông Lê Nguyên Long (1423 – 1442), là vị vua thứ 2 của nhà Lê sơ, lên ngôi năm 11 tuổi, tự điều hành mọi công việc, được sử gia khen là “vua thiên tư sáng suốt, nối vận thái bình”. Ông làm vua đươc 9 năm rồi chết đột ngột khi mới 20 tuổi trong vụ án Lệ Chi Viên chấn động.

14. Lê Nhân Tông Lê Bang Cơ (1441 – 1459), là vị vua thứ 3 của nhà Lê sơ, lên ngôi khi mới 2 tuổi, 12 tuổi thì tự điều hành triều chính. Ông trị vì trong 17 năm rồi bị người anh cùng cha khác mẹ là Nghi Dân ám sát năm 19 tuổi.

15. Lê Chiêu Tông Lê Ý (1506 – 1526), là vị vua thứ 10 của nhà Lê Sơ, lên ngôi khi 11 tuổi trong bối cảnh đất nước loạn lạc. Triều chính nằm trong tay Mạc Đăng Dung. Lớn lên, Lê Chiêu Tông ngầm mưu triệt hạ phe cánh họ Mạc, việc bị lộ, vua bị giết khi mới 21 tuổi.

16. Lê Cung Hoàng Lê Xuân (1507 – 1527), là vị vua thứ 11 của nhà Lê sơ, lên ngôi khi 15 tuổi. Cung Hoàng lên ngôi bù nhìn, bị quyền thần Mạc Đăng Dung không chế, thực tế không hề có quyền hạn. Vận nước đã hết, tài năng Cung Hoàng lại không có, làm vua được 5 năm thì bị Mạc Đăng Dung giết chết năm 20 tuổi.
–> Triều Lê sơ kéo dài 99 năm, trải qua 10 đời vua, có 4 vị lên ngôi khi còn độ tuổi thiếu nhi.

17. Mạc Anh Tổ Mạc Mậu Hợp (1560 – 1592) là vị vua thứ 5 của nhà Mạc, lên ngôi lúc mới 2 tuổi. Khi quân Nam triều dưới sự chỉ huy của Trịnh Tùng bắc tiến, Mạc Mậu Hợp thua chạy, đánh mất thành Đông Kinh. Sau đó, ông bị quân Nam triều bắt khi đang giả làm sư và bị Trịnh Tùng xử tử. Hưởng dương 32 tuổi.

18. Vũ An vương Mạc Toàn (? – 1593) là vua thứ 6 và là vua cuối cùng nhà Mạc. Mạc Toàn lên ngôi khi lực lượng nhỏ yếu, không được nhân tâm ủng hộ. Ông bị quân Trịnh bắt được và đem chém đầu cùng nhiều tông thất nhà Mạc. Mạc Toàn chỉ xưng hiệu được vài tháng, không rõ sống được bao nhiêu tuổi. Nhưng dựa vào chi tiết vua cha Mậu Hợp mất lúc mới 30 tuổi, nên có lẽ Mạc Toàn cũng lên ngôi khi còn trẻ con.

19. Lê Trung Tông Lê Duy Huyên (1535 – 1556), là vị vua thứ hai của nhà Lê trung hưng, lên ngôi khi 13 tuổi, và mọi việc do Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm đứng ra giúp đỡ. Dưới thời Trung Tông hoàng đế, vùng kiểm soát của nhà Lê tiếp tục được mở rộng, tiếng vang lan ra, hào kiệt, danh sĩ tứ phương tìm về theo nhà Lê ngày càng đông.

20. Lê Thế Tông Lê Duy Đàm (1567 – 1599), là vị vua thứ 4 của nhà Lê trung hưng, lên ngôi năm 7 tuổi. Nhà Mạc bị đánh bại, chạy lên Cao Bằng. Lê Thế Tông được đón về Thăng Long, nhưng quyền lực vua Lê bị thu hẹp bên cạnh sự bành trướng của phủ chúa Trịnh. Lê Thế Tông mất năm 33 tuổi.

21. Lê Kính Tông Lê Duy Tân (1588 – 1619), là vị vua thứ 5 của nhà Lê trung hưng, làm vua năm 11 tuổi. Khi trưởng thành, thấy thế lực chúa Trịnh lấn át quá đáng, Lê Kính Tông mưu giết Trịnh Tùng. Việc không thành, vua bị chúa Trịnh bức thắt cổ chết.

21. Lê Thần Tông Lê Duy Kỳ, lên ngôi năm 12 tuổi. Năm 36 tuổi ông nhường ngôi cho con, lên làm Thái thượng hoàng. Ai ngờ con chết sớm, Thần Tông được chúa Trịnh mời lên làm vua một lần nữa. Ông cũng là vị Vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi.

22. Lê Chân Tông Lê Duy Hựu (1630 – 1649), là vị vua thứ 7 của nhà Lê trung hưng, con trưởng của Thần Tông, lên ngôi năm 13 tuổi. Ngồi ngai vàng được 6 năm thì bị bệnh mất.
.
23. Lê Huyền Tông Lê Duy Vũ (1654 – 1671), là vị vua thứ 8 của nhà Lê trung hưng, con thứ hai của Lê Thần Tông, sau khi cha chết, lên nối ngôi khi mới 9 tuổi, mất sớm vào tuổi 18.

24. Lê Gia Tông Lê Duy Cối (1661 – 1675), là vị vua thứ 9 của nhà Lê trung hưng trong lịch sử, cũng là con thứ của Thần Tông, làm vua khi 12 tuổi, ở ngôi 3 năm rồi mất.
–> Thời Lê trung hưng có 16 đời vua, có tới 7 đời vua trẻ con, trong đó một số chết yểu.

25. Cảnh Thịnh đế Nguyễn Quang Toản (1783 – 1802), là vị vua cuối cùng của nhà Tây Sơn, lên ngôi khi 9 tuổi. Cảnh Thịnh sau khi lên ngôi thì bị họ ngoại chuyên quyền, trong đó có Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Vua nhỏ tuổi, không có kinh nghiệm nên không giữ được việc triều chính, làm cho các đại thần giết hại lẫn nhau dẫn đến nội bộ lục đục, triều chính sụp đổ. Cảnh Thịnh cùng hoàng thất Tây Sơn đều bị vua Gia Long dùng cực hình 5 voi xé xác. Khi bị hành hình, Cảnh Thịnh đế 19 tuổi.

26. Kiến Phúc đế Nguyễn Phúc Ưng Đăng (1869 – 1884), là vị vua thứ 7 của nhà Nguyễn, lên ngôi năm 14 tuổi, làm vua được 8 tháng thì bị đầu độc chết.

27. Hàm Nghi đế Nguyễn Phúc Ưng Lịch (1872 – 1943), là vị vua thứ 8 của nhà Nguyễn, lên ngôi năm 13 tuổi. Vua bị Pháp bắt khi 17 tuổi và bị đày sang Angiêri và qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày.

28. Thành Thái đế Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879 – 1954), là vị vua thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn, lên làm vua năm 10 tuổi. Đây là ông vua yêu nước, thương dân, có ý chí chống Pháp. Chính vì vậy, ông bị chính quyền Pháp ép phải thoái vị năm 28 tuổi và bị đi đày ở đảo Reunion.

29. Duy Tân đế Nguyễn Phúc Vĩnh San (1900 – 1945), là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn, lên ngai vàng khi 8 tuổi. Tuy nhiên, ông dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp. Ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội dự định khởi nghĩa nhưng thất bại và Duy Tân bị bắt đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương. Trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ông gia nhập quân Đồng Minh chống phát xít Đức rồi mất vì tai nạn máy bay ở Trung Phi, hưởng dương 45 tuổi.

30. Bảo Đại đế Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913 – 1997), là vị vua thứ 13 và là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn nói riêng và của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam nói chung, lên ngôi khi 13 tuổi.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *