Thuyền bè của người Việt cổ
Bài viết này được thực hiện dựa trên tư liệu của cuốn sách ” Quân thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm” ( tác giả: Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng). Tất cả tư liệu hình ảnh trong bài viết này đều lấy từ blog của bác sĩ Nguyễn Xuân Quang.
1. Thuyền cơ bản:
NGUỒN:
Do cưa chỉ trở nên thông dụng từ thời đại đồ sắt, những chiếc thuyền thời Đông Sơn có thể đều là thuyền độc mộc.
Đây là loại thuyền đơn giản nhất: Một “ cái máng” để người ta ngồi vào mà chèo qua sông. Ngoại trừ việc thân, đuôi và mũi thuyền thường được chạm trổ, trang trí cầu kỳ thì bản thân chiếc thuyền không được trang bị thêm bất kì phụ kiện nào cả ( mái chèo, buồm,… hoàn toàn trống trải).
Về mẫu mã, bản thân thuyền cơ bản chia ra 2 loại thuyền chính: thuyền ngắn và thuyền dài. Trong đó:
– thuyền ngắn thường được chạm trổ cầu kỳ, nhưng chỉ đủ chỗ cho 3 người ngồi. Điểm đặc biệt ở thuyền này là phần mũi thuyền có 1 mũi phụ cong vút vươn dài ra phía trước.
– Thuyền dài chạm trổ ít cầu kỳ hơn, thường đủ chổ cho 4 – 8 người
PHỤC DỰNG:
Căn cứ vào các tư liệu có được, tôi phục dựng lại 2 mẫu thuyền loại cơ bản như sau:
Theo sách ” Quân thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm”, khi đo tương quan giữa thuyền và người chèo ở các hình khắc trên trống đồng, thuyền loại này dài trung bình 4 – 6 met. Chiếc ngắn dài chỉ khoảng 3 met, còn chiếc dài nhất có khi hơn 10 met.
2.Thuyền có mái chèo:
NGUỒN:
Theo các hình khắc trên trống, đây có khả năng cũng là một loại thuyền độc mộc.
So với thuyền cơ bản, loại thuyền này được cải tiến bằng việc lắp thêm một mái chèo ở đuôi. Và chỉ có thế.
Về mẫu mã, bản thân thuyền có mái chèo chia ra 2 loại thuyền chính: thuyền ngắn và thuyền dài. Trong đó:
– thuyền ngắn có mái chèo: chính là phiên bản thuyền ngắn của mục “ 1. thuyền cơ bản” nhưng có thêm hai cải tiến. Đó là được lắp thêm mái chèo ở đuôi, và phần mũi thuyền phụ lớn đủ để cho một người nữa đứng trên đó làm quân tiên phong khi giao chiến .
– Thuyền dài có mái chèo: chính là phiên bản nâng cấp của thuyền dài trong mục “ 1. thuyền cơ bản”. Thuyền dài này được lắp thêm mái chèo ở đuôi và trống ở giữa thuyền.
PHỤC DỰNG:
Căn cứ vào các tư liệu có được, tôi phục dựng lại 2 mẫu có mái chèo như sau:
Theo sách ” Quân thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm”, khi đo tương quan giữa thuyền và người chèo ở các hình khắc trên trống đồng, thuyền loại này dài khoảng từ 10 – 15 met.
3.Thuyền có lầu:
NGUỒN:
Được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ và Hoàng Hạ. Đây là loại thuyền chiến chuyên nghiệp, được trang bị kỹ lưỡng nhất trong các loại thuyền được khắc trên trống đồng. Nó có mái chèo ở đuôi, trống trận ở giữa thuyền. Đặc biệt, thuyền còn được trang bị thêm một cái lầu ở gần đuôi thuyền, làm nơi cho cung thủ sử dụng. Ở ngay dưới lầu là phòng đặt vật dụng ( vd: trống đồng). Binh lính được trang bị rất đa dạng,
Làm sao có thể có lầu trên một chiếc thuyền độc mộc. Có 2 giả thuyết được đưa ra:
1/ Đây không phải là thuyền độc mộc nữa mà có lẽ là một loại thuyền đóng ván. Sự thật, đã có xuất hiện cưa ở một số nơi trên thế giới thời đồ đồng, nhưng việc sử dụng cưa đồng rất tốn kém vì mau mòn. Vậy, người Đông Sơn đã từng sử dụng cưa đồng để đóng thuyền?
2/ Đây kỳ thực vẫn là thuyền độc mộc. Chiếc lầu trên thuyền kỳ thực chỉ là do một số thân tre và gỗ được cột lại rồi buộc chặt vào thuyền???
Điều đáng lưu ý nữa là theo các hình vẽ trên trống Hoàng Hạ, Ngọc Lũ, không hề thấy người chèo thuyền xuất hiện trên thuyền. Điều này có thể do một trong hai nguyên nhân dưới đây:
– đây là thuyền buồm, nên không cần tay chèo. Nhưng cánh buồm đã bị giản lược khỏi hình vẽ trên trống.
– đây vẫn là thuyền chèo, không có buồm. Những người lính trên thuyền đã kiêm luôn việc chèo thuyền, nhưng chi tiết này bị hình khắc trên trống giản lược
PHỤC DỰNG:
Dựa vào các hình khắc và giả thuyết nêu trên, có 3 bản vẽ được phục dựng về loại thuyền này như sau:
Theo sách ” Quân thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm”, khi đo tương quan giữa thuyền và người chèo ở các hình khắc trên trống đồng, thuyền loại này dài khoảng từ 20 – 30 met. Chiếc lầu trên thuyền cao khoảng 1,5 met.