Chúng ta đang ở đâu trên 7 bậc thang của văn minh vũ trụ?
Con người hoàn toàn có quyền tự hào nhìn lại những điều kì diệu mà khoa học và công nghệ đã mang tới cho đời sống hiện nay. Nhưng đã đến lúc chúng ta nhìn lại và cùng nhau đặt câu hỏi: “Chúng ta có thật sự là những sinh vật của một nền văn minh tiên tiến? Hay vẫn là những sinh linh ngu muội của một hành tinh non nớt?”
Thang Kardashev
Vào năm 1963, nhà thiên văn học người Nga Nikolai S. Kardashev đã đưa ra một cách giả thuyết để trả lời cho những câu hỏi trên. Ông đã tạo ra một thước đo cho văn minh nhân loại, được biết đến với cái tên “Kardashev Scale”. Đây là một phương pháp phân định độ tiên tiến của một nền văn minh dựa vào mức độ năng lượng mà hành tinh đó có thể khai thác.
Kardashev đã từng khẳng định lý thuyết của mình trong một bài báo về phương pháp truyền đạt thông tin của những hành tinh khác trái đất. Đây là một trong những công trình có ảnh hưởng đến giới khoa học bấy giờ, góp phần tạo nên tên tuổi của ông. Ông phát triển lý thuyết của mình từ khả năng (người ngoài hành tinh!?) truyền các tín hiệu vô tuyến qua vũ trụ để trao đổi thông tin. Theo Kardashev, có 3 loại văn minh vũ trụ. Giả thiết này hiện đã được phát triển thêm bởi các nhà khoa học hậu bối, mở rộng không chỉ ở khía cạnh công nghệ truyền tín hiệu, mà còn thêm những yếu tố khác.
Bậc thang thứ nhất
Một nền văn minh loại 1 là nền văn minh có khả năng khai thác toàn bộ năng lượng của hành tinh “Mẹ”, tức là chính hành tinh quê hương. Đều này đồng nghĩa với khả năng sử dụng và điều khiển tất cả năng lượng có sẵn như năng lượng mặt trời và năng lượng sản xuất được như nhiệt, thủy điện, gió…
Đây chính là mức độ mà trái đất chúng ta đang “phấn đấu” lao tới. Nếu thang Kardashev có mức độ… thấp hơn mức độ 1, thì chúng ta đang ở ngưỡng 0.72! 0,72 cho một hành tinh có năng lượng hạt nhân, có smartphone, hệ thống vệ tinh và số lần bay ra vào vũ trụ như cơm bữa? Thế nào các bạn, loài người vẫn còn non nớt quá nhỉ?!
Nhà vật lý Michio Kaku nghĩ rằng một nền văn minh cấp độ 1 sẽ có khả năng KIỂM SOÁT những động đất, thời tiết, núi lửa. Thậm chí dân số sống trong những thành phố dưới đáy biển sẽ còn đông hơn trên mặt đất. Theo giả thiết này thì con số 0.72 mà chúng ta đang đứng còn… xa xôi nữa. Theo tính toán của Kaku, khoảng cách để trái đất có thể đạt đến mức độ 1 sẽ “chỉ” là 100-200 năm nữa.
Bậc thang thứ hai trong văn minh vũ trụ
Điều gì đứng đợi sau cấp độ 1? Một khi sử dụng những nguồn năng lượng trên trái đất (và điều khiển hoàn toàn thiên nhiên) thành công, năng lượng từ những hành tinh bạn sẽ là đích đến của một nền văn minh cấp độ 2. Tấm bằng chứng nhận cấp độ 2 sẽ được trao khi hành tinh cấp độ 1 “hút trọn” năng lượng của một ngôi sao xấu số nào đó để nuôi thân.
Cấu trúc Dyson Sphere
Đây chính là thứ vũ khí tối thượng để “hút trọn” năng lượng của một ngôi sao. Dyson Sphere là một siêu vũ trụ được xây dựng bao quanh một ngôi sao, ngày ngày chiếm đoạt năng lượng của nó, sau đó số chiến lợi phẩm này ngược về để nuôi hành tinh mẹ.
Cấu trúc khổng lồ này được xây dựng trên một công nghệ siêu hiện đại, bao phủ một diện tích lớn hơn 600 triệu lần so với diện tích bề mặt trái đất, đây là ý tưởng của nhà vật lý học và nhà toán học Freeman Dyson vào năm 1960. Tất nhiên, Dyson Sphere sẽ để lại những ngôi sao “chết”, tức những ngôi sao hết năng lượng, viễn cảnh này đã được tiên đoán trước trong bộ phim ăn khách Star Wars.
Vậy trái đất còn cách kỉ nguyên của cấu trúc Dyson Sphere bao xa? Câu trả lời (dữ liệu dự đoán) là khoảng 1000-2000 năm.
Bậc thang thứ ba
Một nền văn minh loại 3 lại là một trật tự tiến hóa khác. Khoảng cách từ cấp độ 2 đến cấp độ 3 có thể lên tới con số 100.000 năm hoặc thậm chí là lâu hơn nữa. Các hành tinh cấp độ 3 được Kardashev nhìn nhận như “một nền văn minh sở hữu năng lượng của một hệ ngân hà”.
Đúng vậy, một hành tinh sẽ được “trao bằng” cấp độ 3 khi có trong tay năng lượng của khoảng 100 triệu ngôi sao – tức 1 ngân hà. Đạt đến cảnh giới này, con người sẽ tiến hóa thành một loại sinh vật cybernetic hậu sinh học.
Đọc đến đây chắc các bạn cũng đã có cho mình một hình tượng về một siêu hành tinh cấp độ 3 rồi chứ? Chúng ta đang nói về một hành tinh mà robot thay thế loài người, xây dựng những cấu trúc Dyson Sphere để hút năng lượng của tất cả các ngôi sao.
Sử dụng một lực đẩy siêu việt nào đấy mà khoa học hiện hành (và cả loài người nữa) chưa tưởng tượng ra được để di chuyển khắp hệ ngân hà của chính nó. Thậm chí một hành tinh cấp 3 hoàn toàn có khả năng lấy năng lượng từ hố đen vũ trụ, hoặc tự tạo ra cho mình những ngôi sao chỉ để khai thác năng lượng, đỡ mất công đi đánh chiếm.
Những bậc thang khổng lồ của văn minh
Không dừng lại ở mức độ thứ 3, câu hỏi tiếp tục được thang Kardashev đặt ra: “Tiếp theo là gì?” Kardashev không đưa ra một giả thiết cụ thể về những nền văn minh tiến bộ hơn nữa, nhưng các nhà tiên đoán đã đề xuất rằng một thế giới loại 4 có thể khai thác năng lượng của toàn bộ vũ trụ. Rồi một thế giới loại 5 có thể làm như vậy theo cấp số nhân, tức là từ nhiều vũ trụ.
Kết
Vậy còn loại 6 hay loại 7 thì sao? Theo nhà vũ trụ học, nhà toán học và nhà vật lý vũ trụ John D. Barrow, thì khi đạt đến mốc 6, một nền văn minh có thể thay đổi những thành phần cơ bản nhất của vật chất theo ý mình, như các hạt quark hay hạt lepton; mốc 7 sẽ là khi ta nắm trong tay cấu trúc của thời gian và không gian.
Các mốc thang được Kardashev đưa ra xưa kia chỉ dừng lại ở con số 3 – khi một nền văn minh có thể có được lượng năng lượng bằng cả thiên hà thôi. Tất cả những mốc sau, xin được nhường lại hết cho trí tưởng tượng của con người.