Mai An Tiêm bị lưu đày ở đảo nào?
Không chỉ là lời kể truyền khẩu, câu chuyện về Mai An Tiêm còn được nhiều thư tịch cổ đề cập tới dù có khác biệt đôi chút nhưng nhìn chung nội dung tương đồng.
Theo như Lĩnh Nam chích quái liệt truyện thì ngày xưa, đời Hùng Vương có một người ngoại quốc, mới được 7 tuổi theo thuyền buôn từ phương Nam đến nước Văn Lang, vua Hùng mua về làm đầy tớ.
Khi trưởng thành, cậu bé ngày nào nay đã là một chàng trai cao lớn, diện mạo đoan chính, thông minh, tuấn tú; vua Hùng rất yêu mến mới nhận làm con nuôi và đặt tên là Mai Yến, tên chữ là Mai An Tiêm và chọn một cô gái xinh đẹp, hiền thục gả cho làm vợ, sau sinh được một trai.
Nhờ được vua yêu, tin dùng nên dần dần Mai An Tiêm thành phú quý, ai cũng muốn lấy lòng, thường đến dâng lễ vật không thức gì là không có; từ đó Mai An Tiêm sinh ra kiêu mạn, thường tự bảo rằng: “Của cải này là vật tiền thân của ta, ta không cần nhờ vào sự ban ơn của vua”.
Hùng Vương nghe được, nổi giận nói rằng:
“Làm thần tử mà nó không biết ơn chúa, sinh ra kiêu mạn, nói rằng của cải đều là vật tiền thân của nó. Bây giờ ta đem bỏ nó ra ngoài biển, ra nơi không có người sinh sống để coi thử nó có còn cái vật tiền thân nữa hay không?”.
Nói rồi ra lệnh đày Mai An Tiêm và vợ con ra một hòn đảo hoang ở ngoài cửa biển Nga Sơn, bốn phía không có dấu chân người, chỉ cấp cho lương thực đủ dùng trong 4-5 tháng mà thôi, ăn hết là chết đói.
Vào ngày nọ, bỗng thấy một con bạch hạc lớn từ phương tây bay lại, đậu lên mỏm núi cao, kêu lên ba bốn tiếng thì 6-7 hạt màu đen rơi trên mặt cát, một thời gian sau hạt đơm hoa kết trái; chim chóc kéo đến mỏ khoét để ăn.
An Tiêm thấy thế mừng rỡ nói: “Chim ăn được tất người ăn được. Đây chính là thứ mà trời ban cho để nuôi ta đó”.
Quả thật, trái đó ăn vào mùi vị thơm tho ngọt ngào, mát ruột vô cùng. Mỗi năm trồng tỉa thêm, ăn không hết thì đem đổi cho các thuyền buôn qua lại vùng biển đảo đó lấy lúa gạo nuôi vợ con. Có người hỏi Mai An Tiêm đây là quả gì, chợt nhớ đến chuyện chim tha hạt từ phương Tây đem đến nên đặt tên là quả Tây qua.
Lâu ngày, Hùng Vương nhớ đến người con nuôi của mình bèn sai người đến chỗ hòn đảo nơi Mai An Tiêm ở để xem có còn sống hay không. Người ấy về tâu lại mọi chuyện với vua. Vua Hùng than thở hồi lâu mới nói rằng:
– Lời nói của nó năm xưa tuy tự mãn nhưng quả thực là đúng như vậy!
Sau đó vua Hùng cho gọi Mai An Tiêm về, trả quan chức lại và ban cho thêm của cải, lại đặt tên chỗ vợ chồng Mai An Tiêm ở là “An Tiêm Sa Châu”.
Hòn đảo nơi Mai An Tiêm bị đày đến sau này dần dần được bồi đắp trở thành đất liền, người dân đến sinh sống ngày một đông, dựng thành làng ấp và đặt tên là làng Mai An, còn gọi là Mai Thôn (nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Tương truyền vì là vùng đất gốc nên là nơi trồng dưa ngon nhất nước; người dân ở đây tôn vợ chồng Mai An Tiêm là “Bố Cái dưa hấu” hay “ông bà tổ dưa tây”. Sách Lĩnh Nam chích quái liệt truyện cho biết khi lễ bái đều lấy quả dưa Tây qua làm đồ tế tự.
Còn về xuất xứ tên gọi, quả dưa ban đầu có tên là Tây qua vì được chim tha từ phía Tây đến. Chuyện xem chừng không có gì đáng lưu ý nhưng thực ra xét theo khoa học là hoàn toàn có lý và logic vì nguồn gốc của loại quả này ở vùng Tây Á có tên Ả-rập là Baticha, tiếng Pháp là Pasteque.
Còn về sau được gọi là dưa hấu, theo một số bản chép về câu chuyện này thì khi được về đất liền, Mai An Tiêm đã dâng lên vua Hùng một thuyền đầy dưa, vua ăn thấy ngọt mát thấu dạ nên truyền đặt là dưa thấu, chữ thấu ở đây còn hàm ý vua đã thấu hiểu được sự cố gắng và tấm lòng của Mai An Tiêm. Dưa thấu sau được đọc chệch gọi là dưa hấu.
Lời bình
Ý nghĩa của về Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu chính là lời ngợi ca bản lĩnh, ý chí vượt khó khăn để sinh tồn. Bằng trí tuệ và sức lao động con người thời Hùng Vương, mà Mai An Tiêm là hình tượng tiêu biểu đã xây dựng, vun đắp lên một đời sống vật chất đầy đủ, sung túc.
Theo trithuctre