Newton đã từng nghiên cứu thuỷ triều ở vùng Vịnh Hạ Long
Bộ sách Principia là bộ sách khoa học kinh điển nhất xuất bản từ cuối thế kỷ XVII sang đầu thế kỷ XVIII. Có thể nói trên toàn thế giới, những ai đã học qua Trung học cơ sở đều có học đến những định luật quan trọng của Newton rút từ trong bộ sách Principia. Nhưng không mấy ai được thấy và được đọc Principia nguyên bản tuy rằng từ bấy đến nay đã tái bản nhiều lần. Đối với người Việt Nam lại càng ít người được đọc vì bộ sách đó quá cổ, quá đồ sộ chỉ có ở các thư viện lớn ở Âu, Mỹ. Ít người biết là trong đó Newton có viết về thủy triều ở vịnh Bắc Bộ!
Newton dành một đoạn khá dài trong Principia để giải thích thủy triều qua lực hút của mặt trăng và mặt trời lên trái đất. Bình thường thủy triều lên xuống 2 lần một ngày, nhưng ở vịnh Bắc Bộ triều chỉ lên xuống một lần một ngày. Đây là đoạn đầu tiên trong chương về thủy triều trong Principia (bản tiếng Anh của University of California Press, 1934):
Ở đoạn trên, Newton viết rằng các kết quả ở các phần trước cho ta thấy thủy triều phải lên xuống 2 lần một ngày. Nhưng sau đó vài trang, Newton lại viết tiếp như sau:
Đoạn này Newton viết rằng có những nơi thủy triều chỉ có một lần một ngày. Một ví dụ là ở cảng Batshaw, ở vương quốc Tunquin. Vào thời Newton, Tunquin là từ dùng để chỉ xứ Đàng Ngoài (thường viết là Tonkin). Nhưng đố các bạn biết cảng Batshaw là ở đâu?
Newton đã viết về nghiên cứu thuỷ triều ở cảng Batshaw thuộc Vương quốc Tonquin ở vĩ độ 20050’ bắc. Vấn đề là những địa danh nêu trên chính xác là ở đâu? Vương quốc Tonquin chắc chắn là miền Bắc Việt Nam ngày nay. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì thời kỳ mà Newton hoàn thành bộ sách Principia là thời kỳ Vua Lê Chúa Trịnh, kinh đô thuộc vùng đất Hà Nội ngày nay, có tên là Đông Kinh. Đó cũng là trung tâm hành chính thương mại ở miền Bắc.
Người phương Tây phiên âm Đông Kinh ra thành Tunkin, Tonquin, Tongkin hoặc Tonkin, theo cách của người Tây Ban Nha, người Bồ Đào Nha, người Anh, người Pháp. Thời đó đã có Trịnh Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn chiếm cứ từ sông Gianh trở vào. Vì vậy có sự phân biệt Đàng Trong và Đàng Ngoài mà Đàng ngoài người phương Tây còn gọi là Vương quốc Đàng Ngoài hoặc Vương quốc Tonquin như Newton đã viết. Nơi có cảng, có thuỷ triểu lên xuống ở Đàng Ngoài, tức là ở Bắc Việt Nam ngày nay ứng với vĩ tuyến 20050’, là vùng nam thành phố Hạ Long, bắc đảo Cát Bà kéo dài sang phía gần các cửa sông bãi nhà Mạc, các huyện như An Hải (Đồ Sơn cũng gần đấy nhưng hơi lệch về phía nam, dưới vĩ tuyến 20045’).
Trong cả vùng đó chưa phát hiện ra nơi nào, di tích nào có tên gọi Batshaw cả. Một nhà hàng hải ở thế kỷ XVII là William Dampier có viết nhiều sách về du hành, đặc biệt về du hành đến Việt Nam thời đó có viết: Đi từ biển vào đầu tiên là qua Batsha, sau đó đến Domea rồi Hean rồi đến Cachao. Qua nghiên cứu của các nhà khảo cổ Việt Nam thì Cachao là Kẻ Chợ tức Thăng Long Hà Nội xưa, Hean là phố Hiến, một thương cảng sầm uất gần Hưng Yên xưa (thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến), còn Domea thì dự đoán là Đò Mè nằm ở vùng cửa sông Thái Bình, ở vị trí 20045’ vĩ độ Bắc, nay thuộc làng An Dụ xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Vậy là rõ hơn một chút, Batshaw hay Batsha là cảng đầu tiên có từ thế kỷ XVI, XVII trên đường biển rồi có thể từ đó theo sông Hồng lên đến kinh đô thời Lê Trịnh. Sau khi giáo sư Đàm Thanh Sơn đưa thông tin là Newton trong sách Principia có viết về thuỷ triều ở Batshaw một cảng biển ở Bắc Việt Nam nhiều người bình luận, thêm ý kiến về địa danh Batshaw. Có người cho đó là Bãi Cháy, có người cho là Đồ Sơn. Thậm chí Wikipedia tiếng Việt, nói về địa danh Đồ Sơn bài viết có cả một đoạn với đầu đề là Về nguồn gốc tên gọi Batsha (Batshaw), tác giả bài viết nói có tính chất khẳng định “Khi nhắc đến Đồ Sơn người ta nghĩ ngay đến một trong những khu du lịch của miền Bắc. Nhưng tiềm năng du lịch của Đồ Sơn mới bắt đầu được khai thác bởi người Pháp từ những năm đầu thế kỷ XX. Còn trước đó hơn 2 thế kỷ, trong các thể kỷ XVII,XVIII dù tên gọi Đồ Sơn chưa được nhắc tới như trong thư tịch và bản đồ cổ của những nhà hàng hải thương nhân châu Âu tới Đàng Ngoài (chủ yếu là người Hà Lan và người Anh) thì tên gọi Batsha hay Batshaw đã xuất hiện phổ biến. Ngày nay người ta đã xác định được vị trí của Batsha (Batshaw) ở các thế kỷ XVII, XVIII là một làng chài (hoặc xóm chài) nằm trên bán đảo Đồ Sơn.” Chưa thấy tài liệu nào nói rằng ngày nay người ta đã xác định được vị trí của Batsha (Batshaw) ở các thế kỷ XVII, XVIII là một làng chài nằm trên bán đảo Đồ Sơn. Tác giả bài viết về Đồ Sơn cũng không đưa ra dẫn chứng. Theo như Newton đã viết thì Batshaw là một cảng (the port of Batshaw) và ở vĩ độ 20050’ bắc, nên một làng chài ở dưới vĩ tuyến 20045’ bắc mà khẳng định đó là Batshaw thì chưa có cơ sở gì chắc chắn cả. Vấn đề thuỷ triều lên xuống là thuộc về cả một vùng sông biển lớn.
Trong khi chờ đợi những nhà khảo cổ tìm lại được dấu tích của cảng Batshaw nay có lẽ đã bị chôn vùi, có thể xem là Newton đã khảo sát về thuỷ triều ở một vùng rộng lớn thuộc Vịnh Hạ Long.
Đi tham quan một vùng nước sông hoà quyện với nước biển như Hạ Long – Hải Phòng ta cảm nhận rất rõ thuỷ triều lên xuống. Nghĩ về xa xưa, nắm được những quy luật về thuỷ triều này Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán, Lê Hoàn đã đuổi được giặc Tống và Trần Hưng Đạo đã đánh thắng quân Nguyên. Nay lại biết thêm nhà khoa học vĩ đại người Anh là Issac Newton, ở cách xa nửa vòng Trái Đất và hơn 300 năm, trong tác phẩm bất hủ Principia cũng đã viết về thuỷ triều ở vùng sông biển tuyệt đẹp này của Việt Nam!