Tại sao người Hoa sống bình dân mặc dù rất giàu?
“Đi đến đâu lập chợ đến đó”. Không chỉ riêng ở Việt Nam mà đi đâu trên thế giới người ta cũng thấy Chinatown (phố người Hoa). Chinatown nào cũng lớn mạnh và giàu có. Người ta nói, người Hoa đoàn kết, giỏi kinh doanh, nên đi đâu cũng làm ăn được. Rất nhiều chủ doanh nghiệp lớn tại Việt Nam có xuất thân từ người Hoa phải kể đến như: Kinh Đô, Đồng Khánh, Bút bi Thiên Long,… Người Hoa kinh doanh hiển đạt được như vậy là nhờ họ có bí quyết…
Trong khuôn khổ bài viết này, người Hoa chính là người Việt gốc Hoa, không phải người Hoa sống tại Trung Quốc, quốc tịch Trung Quốc hiện tại.
Được xây dựng năm 1928, Chợ Lớn trở thành trung tâm thương mại của người Hoa tại Tp. HCM
Lấy chữ tín làm đầu
Người Hoa tâm niệm có uy tín thì có tất cả, mất uy tín thì mất tất cả. Đây là quy ước bất thành văn, người nào cố ý phá vỡ quy ước này thì chỉ còn có nước bỏ đi xứ khác sinh sống.
Hiếm khi giật nợ
Các chủ doanh nghiệp người Hoa thường mang hàng ra chợ sỉ Bình Tây, Kim Biên, Soái Kình Lâm, An Đông bỏ gối đầu từng lô hàng cho tiểu thương. Nhận thanh toán lô hàng cũ rồi bỏ tiếp lô hàng mới. Thương lái được tiểu thương bán lại hàng gối đầu từng lô hàng. Các chủ doanh nghiệp được nhà cung ứng bỏ gối đầu từng lô nguyên phụ liệu.
Tập quán buôn bán gối đầu như những mắt xích liền lạc với nhau. Hàng hóa giao dịch trị giá bạc tỉ mà chỉ bảo đảm bằng những cuốn sổ bỏ hàng, bán hàng cầm tay nhưng hầu như không ai bị giật nợ.
Buôn bán gối đầu chính là tập quán kinh doanh của người Hoa
Thông tin về những vụ thất tín lan rất nhanh trong ngành nghề kinh doanh. Kẻ thất tín bị người trong cộng đồng tẩy chay.
Gần cuối năm âm lịch, các chủ doanh nghiệp người Hoa giữ thông lệ thu hết nợ cũ phát sinh trong năm. Tiểu thương phải thanh toán sạch nợ để năm mới làm ăn suôn sẻ. Thương lái cũng trả hết nợ của năm cũ. Ai không giữ uy tín hoặc dây dưa trả nợ sẽ khó bề làm ăn trong năm mới vì chẳng ai chịu giao hàng hay bán hàng.
Người Hoa mắc nợ ai thì trĩu nặng nỗi lo nên rất chuyên cần làm ăn nhằm kiếm tiền để trả nợ. Anh Kỷ Liên Tín, chủ một sạp kinh doanh gia vị ở chợ Bình Tây, bị vỡ nợ đành sang Mỹ sinh sống, được đồng hương tin yêu giúp đỡ tài chính. Từ bên Mỹ, anh Tín tích góp rồi gửi tiền về Việt Nam thanh toán sòng phẳng cho các chủ nợ.
Về giá cả, người Hoa cũng luôn giữ uy tín. Chủ hàng chịu giá bán cho ai rồi thì không thay đổi, dù giá cả biến động mạnh cỡ nào cũng bán hàng theo giá đã thỏa thuận. Chủ tiệm tạp hóa người Hoa trong khu xóm vui vẻ bán thiếu gạo, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, thuốc lá, đường, đậu, xà bông, bột giặt, kem đánh răng… Cuối tháng, chủ tiệm mang sổ nợ tới từng nhà đòi tiền. Ai nấy đều giữ uy tín trả hết nợ. Ai lằng nhằng, mất uy tín rồi thì năn nỉ mua chịu dù một chai nước mắm chủ tiệm cũng không bán.
Phùng Hưng Hãng – chuyên kinh doanh cao đơn hoàn tán từ năm 1975 đến nay – được chuộng vì rất uy tín trong mua bán. Ảnh: Tấn Thạnh
Những người kinh doanh ẩm thực truyền thống Trung Hoa càng giữ uy tín. Họ khởi nghiệp với những món ăn ngon, thỏa mãn khẩu vị đại chúng. Tới khi quán ăn đông khách cỡ nào, chủ quán cũng không thay đổi chất lượng các món ăn nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu trên thị thường. Trước sau như một, chất lượng sản phẩm không thay đổi. Giá cả nguyên liệu tăng cao thì tăng giá bán sản phẩm tương ứng. Chủ quán không hề giảm chất lượng để không mất lòng người tiêu dùng.
Điều hành bằng chữ tín
Một dạo, một chủ ngân hàng lớn ở Chợ Lớn hay cấp tín dụng cho những người có uy tín, kể cả theo cách trông mặt mà bắt hình dong, để họ có vốn làm ăn. Giao dịch tín dụng trị giá mấy chục tỉ đồng mà không cần ký kết hợp đồng. Nhiều khoản cho vay lớn không cần thế chấp tài sản mà căn cứ tín chấp ghi chi chít trong một quyển vở do thư ký riêng của chủ ngân hàng cất giữ.
Ngày trước, bang hội người Hoa theo nhóm ngôn ngữ Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ rất hùng mạnh ở Chợ Lớn. Bang trưởng là người có uy tín cao được người trong bang tuân lệnh răm rắp. Người Hoa còn thành lập các hội tương tế họ tộc. Các đại gia vô tư đóng góp tài chính cho bang hội giúp đỡ người nghèo. Người được tài trợ làm ăn thoát nghèo không những hoàn trả đủ vốn cho bang hội mà còn đóng góp tài chính giúp đỡ người khác vươn lên trong cuộc sống.
Người Hoa sống theo từng bang hội, hẻm xóm, có người đứng đầu
Một vài người Hoa có uy tín được người khác tin cậy giao cất giữ những khối tài sản kếch xù. Tới khi người gửi thu hồi của cải vẫn không thiếu một cắc. Thời kỳ đầu đổi mới, chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam không đồng đều. Các nhà nhập khẩu ở Hồng Kông, Đài Loan, Singapore tin tưởng một người Hoa ở quận 6 trong việc giám định hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu. Người này ký tên bảo chứng lên từng lô hàng xuất khẩu thì các nhà nhập khẩu mới chịu nhận hàng.
Giấu nghề gia truyền
Ngày nay, người Hoa vẫn luôn giấu nghề gia truyền. Ngày trước, họ kiêng kỵ gã con gái cho người dân tộc khác nhằm đề phòng mất thế độc quyền những nghề béo bở. Việc sản xuất của họ diễn ra sau tấm vách ngăn phòng khách với khu nhà xưởng. Trên vách treo tấm bảng kẻ đậm hàng chữ “không phận sự cấm vào”. Người cố ý dòm ngó vẫn không tài nào học lóm được nghề “ruột” của người Hoa.
Sống để bụng, chết mang theo
Cơ sở phục hồi bình xăng con Thành Đạt ở quận 10, TP HCM do một chủ doanh nghiệp người Hoa đứng tên thu hút khách rất đông. Việc phục hồi bình xăng con được thực hiện phía sau nhà. Mỗi nhân công đảm trách một công đoạn, không ai nắm vững quy trình phục hồi bình xăng con nên không tài nào phản chủ nhảy ra mở cơ sở làm ăn riêng. Do vậy, cơ sở phục hồi bình xăng con Thành Đạt gần như một mình một chợ trên thị trường tân trang phụ tùng xe máy.
Bánh tiêu, giò cháo quẩy là nghề độc quyền của người Hoa. Họ có bí quyết phối trộn ủ bột sao cho khi chiên, bánh tiêu, giò cháo quẩy nở phồng to vàng rộm. Ai cạy miệng họ cũng không hé môi tiết lộ bí quyết nghề nghiệp.
Người Hoa cũng giấu kín bí quyết phối trộn bột làm bánh bao, bánh trung thu, bánh in, há cảo… Món hủ tiếu của người Hoa có nước lèo ngọt vị xương heo hầm rục khác biệt nước lèo do người Kinh nấu. Họ có bí quyết dùng phụ liệu cho nước lèo có vị ngọt đậm, ai nhờ chỉ cách cũng khôn khéo chối từ.
Món hủ tiếu của người Hoa có công thức pha chế nước lèo rất độc đáo
Ngoài ra, người Hoa còn độc quyền các nghề chế biến da heo phồng, đậu phộng chiên, nước tương, tương chao, mì sợi, bánh pía, mè láo, lạp xưởng, hột vịt muối… Nhân công trong các xưởng chế biến mỗi người được chủ phân công lo một khâu. Chủ doanh nghiệp người Hoa đích thân sơ chế các nguyên liệu hảo hạng, điều hành quy trình chế biến chính, quyết định chất lượng sản phẩm. Nhiều người cũng bắt chước làm nhưng có cố cỡ nào, chất lượng sản phẩm xuất xưởng vẫn không thể nào sánh bằng sản phẩm độc quyền.
Các chủ doanh nghiệp người Hoa chỉ truyền đạt bí quyết nghề nghiệp cho con trai. Thế hệ hậu sinh tiếp nối nghề gia truyền. Do vậy, một số cơ sở kinh doanh chánh phố (của cha) đẻ ra những cơ sở phụ phố (của con, cháu kế nghiệp gia truyền) ở Chợ Lớn.
Cho ăn vàng cũng không dắt đàng đi buôn
Người Hoa khổ công nghiên cứu, tìm tòi những bí quyết, cách thức chế biến nhiều món ăn ngon và dịch vụ hút khách mạnh. Do vậy, họ luôn luôn giấu nghề để truyền tử lưu tôn mà làm giàu. Thực tế, nhiều gia đình người Hoa theo nghề gia truyền từ tổ phụ để lại. Các thế hệ hậu sinh mỗi người mở một cơ sở làm ăn riêng làm rạng danh nghề gia truyền hoặc các huynh đệ đồng tâm ý hiệp lập doanh nghiệp chung và làm ăn phát đạt.
Các lương y người Hoa hành nghề đương thời ở Chợ Lớn đều kế nghiệp gia truyền. Nhà người Hoa nào sinh toàn con gái thì nghề nghiệp thất truyền vì tổ phụ chỉ truyền nghề lại cho con trai hoặc cháu trai. Phụ nữ người Hoa lập gia đình rồi theo nghề của bên nhà chồng. Không phụ nữ nào mang nghề gia truyền truyền lại cho bên nhà chồng.
Người Hoa tâm niệm “cho ăn vàng cũng không dắt đàng đi buôn”. Do vậy, những người theo nghề thương mãi giấu nhẹm các mối quan hệ đối tác làm ăn cùng kỹ năng buôn bán. Sổ ghi danh sách đối tác làm ăn luôn được bảo mật. Quan hệ mối lái, giao thương được giấu kín. Viên tài phú (kế toán) trong các cơ sở kinh doanh của người Hoa tuyệt đối trung thành với chủ, không cho ai biết kết toán lời – lỗ từng ngày.
Nhiều viên tài phú tâm phúc biết chuyện làm ăn của chủ, biết rõ gia sản của chủ giàu có bậc nào nhưng giấu kín với vợ con chủ bởi đề phòng “nội gián” trong nhà. Phương án kinh doanh sinh lợi cao cũng được bảo mật tuyệt đối. Viên tài phú nhờ trung thành và kín miệng nên luôn được chủ cơ sở tuyệt đối tin tưởng, hậu đãi xứng đáng.
Tiểu phú do cần
Kinh doanh giỏi, giàu có nhưng hầu hết người Hoa lại sống rất tiết kiệm và không phô trương. Nói đến tình hình làm ăn họ đều giữ bí mật, nói tránh: “Chù sáng di quảnh xỉu xỉu xực!” (Buôn bán kiếm ăn ít ít!). Một trong những triết lý của họ là cần–kiệm. Ở khu có người Hoa sinh sống, hầu như rất khó để kiếm được một người “ăn mày”. Bởi họ không có thói quen cho tiền như nhiều người dân khác ở Sài Gòn. Ngược lại, người Hoa lại luôn sẵn sàng hỗ trợ việc làm, giúp người khác tự mưu sinh. Đối với họ, giúp là phải giúp cho giàu, không phải chỉ để có ăn cho qua ngày đoạn tháng. Thành ra người Hoa ở Chợ Lớn đa phần đều cần mẫn làm việc, không nhờ vả và cũng ít phung phí.
Người Hoa luôn hỗ trợ nhau mưu sinh
Họ chỉ thực sự “vung tiền” làm từ thiện trong các buổi bán đấu giá vật phẩm có tổ chức quy mô trong các lễ Tết. Số tiền được “vung” ra luôn nhiều hơn 10 con số, tất cả đều có mục đích vì tôn giáo, hỗ trợ đồng hương.
Họ sẵn sàng đóng góp cho các công trình tôn giáo
Một số sự thật thú vị
- Người Hoa sẽ khắt khe hơn khi làm việc với người miền Bắc. Dễ tính hơn với người Nam.
- Hầu hết người Hoa coi trọng anh em (bang hội) hơn gia đình.
- Chợ Lớn được xem là Chinatown lớn nhất thế giới.
- Không có sự phân biệt đối xử nào đối với người Kinh và người Hoa khi đi mua hàng lẻ giá sỉ ở Chợ Lớn.
- Người Hoa ít ham rẻ, chủ yếu ăn uống, mua sắm ở một số địa chỉ uy tín với giá thành cao hơn trung bình.
- Giàu có vẫn rất ít khi mua đất, đổi nhà. Người Hoa rất kỹ về phong thủy nên đã làm ăn được ở đâu thì không thay đổi. Quán xá dù nhỏ, nếu làm ăn phát đạt vẫn chỉ làm thêm cơ sở mới, không xây lên.