Thác Pongour – ngọn thác 7 tầng
Truyền thuyết về thác Pongour
Ngày xưa, vùng đất tọa lạc thác Pongour hiện nay có một nữ tù trường người K’Ho rất xinh đẹp tên là Kanai. Nàng Kanai có tài chinh phục các loại thú dữ, trong số đó có 4 con tê giác khổng lồ luôn tuân lệnh của nàng dời don, ngăn suối phục vụ cho cuộc sống người dân trong buôn làng luôn no ấm và hạnh phúc. Khi có chiến tranh xảy ra, cả 4 con tê giác đều xông trận bảo vệ buôn làng. Bỗng một ngày đầu mùa xuân, đúng ngày trăng rằm tháng giêng âm lịch nàng vì bệnh nặng đã trút hơi thở cuối cùng xa lìa trần thế về cõi vĩnh hằng. 4 con tê giác vì thế mà đau buồn không ăn uống cho đến chết. Một buổi sáng bình minh đẹp trời, người dân trong buôn làng bỗng thấy nơi nàng Kanai yên nghĩ hiện lên một ngọn thác sừng sững đẹp tuyệt trần, nước của ngọn thác tung bọt trắng xóa, những tầng đá xếp gọn gàng từ trên xuống dưới cho dòng thác đổ, thì ra cặp sừng của những con tê giác đã hóa thạch làm bàn cho suối tóc của Kanai biến thành làn nước trong xanh đỗ xuống chân thác. Câu chuyện này được kể lại qua nhiều đời như một truyền thuyết về ngọn thác Pongour hùng vĩ và cũng là một lời nhắn nhũ cho sức mạnh đoàn kết, gắn bó bất tử giữa con người và thiên nhiên vạn vật.
Tên gọi thác Pongour là do người Pháp đọc trệch tiếng của người K’Ho bản địa, Pon-gou có nghĩa là ông chủ của vùng đất sét trắng vì khu vực chung quanh thác Pongour có rất nhiều kaolin, một trong những nền đất đế sản xuất đồ gốm sứ nổi tiếng. Thác Pongour là ngọn thác duy nhất ở Việt Nam có ngày lễ hội rằm tháng giêng hàng năm. Vào thời gian này, các nam thanh nữ tú khắp nơi đổ về đây tham gia lễ hội đầu xuân, đây là dịp để mọi người giao lưu, sống cởi mở, chân tình và tự do tìm hiểu yêu mến nhau. Du khách đến đây sẽ đi bộ một đoàn đường lát đá khoảng 500m để xuống chân thác hoặc có thể đi đường tắt dốc hơn dài khoảng 200m. Đến đây tham quan du lịch, du khách nên chú ý không leo trèo lên các vách đá rất trơn trượt và nguy hiểm.
Theo dalattrongtoi