Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh
Trong chúng ta hẳn đã được ít nhiều xem về điện ảnh Trung Hoa hoặc đọc về tác phẩm “Đông Chu Liệt Quốc” thời Xuân Thu kể về cuộc tranh hùng của 7 nước Tần, Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy. Và kết thúc bằng thắng lợi của Tần Thủy Hoàng – cũng là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc. Một tác phẩm đồ sộ, những mưu kế trập trùng, và những trận đánh hấp dẫn. Nhưng có bao giờ người Việt chúng ta biết được, chúng ta cũng có một thời kỳ lịch sử bi tráng như thế, và cũng có một người anh hùng khai thiên lập quốc dẹp loạn cát cứ như thế. Đó chính là Đinh Bộ Lĩnh – hoàng đế đầu tiên của nước Việt. Và nếu dựng thành phim, thì câu chuyện “Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân” cũng hoành tráng nào kém gì câu chuyện Đông Chu Liệt Quốc.
Ông rất giống Tần Thủy Hoàng về bản lĩnh và sự lạnh lùng. Năm 968, sau khi thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lấy tước hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. 3 năm sau, lấy niên hiệu là Thái Bình để biểu lộ ý chí độc lập với Trung Quốc (trước ông, các vị vua Việt Nam đều lấy niên hiệu theo hoàng đế Trung Quốc). Để lập trật tự đất nước sau thời gian bị xáo trộn, nhà vua ban hành luật pháp cực kỳ nghiêm khắc. Các trọng phạm sẽ bị ném vào vạc dầu sôi hoặc làm thức ăn cho thú dữ. Nhờ vậy mà đất nước ổn định.
Nhưng Đinh Bộ Lĩnh hơn Tần Thủy Hoàng ở tài năng cầm quân ra trận. Tại sao tôi xếp Đinh Bộ Lĩnh vào hàng tướng tài? Bởi ông không chỉ là một vị vua vĩ đại của dân tộc, mà còn là một người ngồi trên lưng ngựa đánh Đông dẹp Bắc. Một người vừa có tầm nhìn của hoàng đế, vừa có cái xuất chúng của tướng cầm quân.
Ông là “Vạn thắng vương”, vị vua trăm trận trăm thắng, vị vua đích thân cầm quân ra trận, vị vua sắp đặt mưu kế và tiêu diệt kẻ địch. Tầm của ông đã hiển hiện từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ cùng thời khoanh tay làm kiệu cho ông, lấy tre làm giáo, lấy cỏ lau làm cờ, theo hiệu lệnh của ông tấn công lũ trẻ làng bên cạnh. Và khi lớn lên, ông thể hiện cái tài của mình dưới trướng Trần Lãm. Trần Lãm mất, ông nắm quyền, mộ quân, cùng với con trai Đinh Liễn, các hạ thần Lê Hoàn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, Phạm Cự Lạng được gọi là Giao Châu Thất Hùng cùng nhau đi chinh phạt 11 sứ quân còn lại.
(Chú ý: Lê Hoàn sau này làm vua thay nhà Đinh, đây là 1 bí ẩn của lịch sử mà ta sẽ dành 1 bài cho vấn đề này)
Ông đánh gọn Lữ Xử Bình và Kiều Công Hãn ở triều đình Cổ Loa, chuyển mục tiêu sang đánh sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Đại La – đó là sứ quân mạnh nhất. Ban đêm ông bao vây 4 mặt, tập kích vào trại khiến đầu đuôi không cứu được nhau. Đánh sứ quân Nguyễn Siêu, ông dùng hỏa công đốt doanh trại. Đánh sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp, ông tập kích quân lương, vừa vây vừa diệt. Đối với các sứ quân nhỏ hơn, ông mặt giáp mặt, điều binh khiển tướng, chém ngay trong trận. Nhưng không chỉ đánh, Đinh Bộ Lĩnh còn dùng các kế sách để chiêu hàng để không tốn máu xương quân sĩ. Mưu đồ chính trị trong các chính sách chiêu hàng của ông rất cao. Lực lượng non yếu, ông liên kết với sứ quân Trần Lãm. Đối với các sứ quân là hậu duệ của nhà Ngô, ông chiêu hàng chứ không đánh để lấy lòng thiên hạ.
Và tin nổi không? Đinh Bộ Lĩnh chỉ cần 3 năm để thống nhất đất nước (từ năm 966 đến năm 968). 3 năm của ông có giá trị liên thành cho vận mệnh dân tộc. Vì đó là thời điểm nhà Tống vừa duỗi chân tới Quảng Châu và tiêu diệt xong Nam Hán, chuẩn bị kéo xuống nước Nam ta. Nhưng khựng lại khi Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh xưng đế, tạo độc lập cho dân tộc.
Ông là một nhà chính trị kiệt xuất, người đặt nền móng cho đất nước hôm nay. Người đã chấm dứt cành “nồi da xáo thịt” của dân tộc. Nhưng ông còn là một vị tướng tài ba và đáng nể. Một vị tướng trăm trận trăm thắng. Một vị hoàng đế mang ý chí của nhân dân.
Bổ sung comment rất hay của bạn đọc Thanh Tran:
Điểm quan trọng đầu tiên là Đinh Bộ Lĩnh giữ được Hoa Lư, Ninh Bình vốn là xuất thân của Đinh Bộ Lĩnh, điều này sẽ có rất nhiều lợi ích về sau. Sau khi Trần Lãm mất, Đinh Bộ Lĩnh nắm binh quyền và chuyển quân từ Bố Hải Khẩu – Thái Bình về Hoa Lư. Nam Định là vùng đồng bằng trống trải, trong khi Ninh Bình có đồng bằng được bao bọc trong núi, dễ thủ khó công, có thể phát triển được lực lượng.
Từ Hoa Lư chỉ cần phải giữ mặt Nam phòng Ngô Xương Xí tập hậu, còn lại sẽ đối chọi được với các cánh quân ở mặt Bắc.
Trong công cuộc bình định 12 sứ quân thì trận đánh Đỗ Cảnh Thạc là trận đánh quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất. Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang – Thanh Oai là vùng đất vừa có núi vừa có đồng, nhưng nhược điểm là có quá nhiều sứ quân ở đây, trong khi đó quân Hoa Lư có thể đi thẳng 1 đường ra đánh mà không sợ bị tập kích.
Sau khi đánh xong Đỗ Cảnh Thạc, Nguyễn Siêu bị ép vào thế gọng kìm, có thể đoán trước sẽ bị phá, chỉ có điều quân Hoa Lư cũng thiệt thòi không ít. Tuy nhiên, đánh xong Đỗ Cảnh Thạc và Nguyễn Siêu thì Đinh Bộ Lĩnh đã làm chủ vùng đất ở giữa, chia cắt các sứ quân còn lại.
Sau khi dẹp xong 2 sứ quân mạnh, thì việc bình định 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh là đơn giản hơn rất nhiều. Câu chuyện đó không cần phải bình luận thêm.
Thực chất mà nói, Đinh Bộ Lĩnh có thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Nếu không bình định được 12 sứ quân thì chỉ có thể tự trách mình mà thôi.
Về tài năng quân sự, ở thời kỳ loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh là người xuất chúng, nhưng cũng phải nói là “may” thì mới có thể dẹp loạn chỉ trong vòng 1 năm.
Nguồn: The X-File of History
1 Response
[…] đầu serie về 5 vị tướng tài năng nhất lịch sử dân tộc, trong bài viết về vua Đinh Bộ Lĩnh, tôi có viết câu sau: “Ông là “Vạn thắng vương,” vị vua trăm trận trăm […]