Ba câu chuyện kể về thứ đáng sợ nhất trên đời
Có người hỏi Thiền sư: “Điều đáng sợ nhất trên cõi đời này là gì?”
Thiền sư đáp: “Dục vọng!”
Người đó lộ vẻ hoài nghi.
Thiền sư nói: “Hãy để tôi kể vài câu chuyện cho ông nghe vậy”.
Truyện thứ nhất: Bạc vàng đáng sợ
Một vị tăng nhân hốt hoảng từ trong rừng chạy đến, vừa khéo gặp hai người bạn vô cùng thân thiết đang tản bộ bên rừng. Họ hỏi vị tăng nhân: “Chuyện gì mà ông hốt hoảng quá vậy?”.
Vị tăng nhân nói: “Thật là kinh khủng, tôi đào được một đống vàng ở trong rừng!”.
Hai người bạn, không nhịn được liền nói: “Thật đúng là tên đại ngốc! Đào được vàng, việc tốt như thế mà ông lại cho là kinh khủng, thật không thể hiểu nổi!”.
Thế là họ lại hỏi vị tăng nhân kia: “Ông đào được vàng ở đâu? Chỉ cho chúng tôi xem với!”.
Vị tăng nhân nói: “Thứ xấu xa như thế, các ông không sợ sao? Nó sẽ nuốt chửng người ta đấy!”.
Hai người kia gạt phăng, hùng hổ nói: “Chúng tôi không sợ, ông mau mau chỉ chỗ xem nào!”.
Vị tăng nhân nói: “Chính là bên dưới cái cây ở bìa rừng phía tây”.
Hai người bạn liền lập tức tìm đến chỗ vị tăng nhân vừa chỉ, quả nhiên phát hiện được số vàng đó. Người này liền nói với người kia rằng: “Tên hòa thượng đó đúng là ngốc thật, thứ vàng bạc mà mọi người đều khao khát đang ở ngay trước mắt, thế mà lại trở thành quái vật ăn thịt người”. Người kia cũng gật đầu đồng tình.
Thế là họ bàn với nhau làm thế nào để chuyển số vàng này về nhà. Một người trong đó nói: “Ban ngày mà đem nó về thật không an toàn cho lắm, hay là đêm đến chúng ta mới vận chuyển, vậy sẽ chắc ăn hơn. Tôi ở lại đây canh chừng, ông hãy về mang chút cơm rau trở lại, chúng ta ăn cơm rồi đợi đến trời tối mới chuyển số vàng này về nhà”.
Người kia liền làm theo người bạn nói. Người ở lại nghĩ : “Nếu như số vàng này đều thuộc về sở hữu của riêng ta thì hay biết mấy! Đợi hắn quay lại, ta hãy dùng cây gậy gỗ đánh chết đi, vậy thì toàn bộ số vàng này là của ta hết rồi”.
Thế là khi người bạn đem cơm rau đến khu rừng, người kia liền từ phía sau lưng dùng gậy gỗ đánh mạnh vào đầu khiến ông ta chết ngay tại chỗ, sau còn nói rằng: “Bằng hữu ơi, chính là số vàng này buộc tôi phải làm như vậy”.
Sau đó ông ta vớ lấy thức ăn mà người bạn mang đến, ăn ngấu nghiến. Chưa được bao lâu, người này cảm thấy rất khó chịu, trong bụng giống như bị lửa thiêu đốt. Khi đó, ông ta mới biết rằng mình đã bị trúng độc. Trước lúc chết, ông mới nói rằng: “Lời hòa thượng đó nói quả thật không sai!”.
Đây thật là ứng với lời người xưa để lại: Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn. Đều là họa do lòng tham đưa đến, chính dục vọng đã khiến người bạn thân nhất trở thành kẻ thù không đội trời chung.
Truyện thứ hai: Người nông dân mua đất
Có một người nông dân muốn mua đất, ông ta nghe nói một người ở vùng khác có đất muốn bán, liền quyết định đến đó hỏi thăm. Người bán đất nói với ông ta rằng: “Chỉ cần giao một nghìn lạng bạc, ta sẽ cho ông thời gian một ngày, bắt đầu tính từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn xuống núi, ông có thể dùng bước chân khoanh tròn được bao nhiêu đất, thì số đất đó sẽ chính là của ông, nhưng nếu ông không trở về nơi khởi điểm, thì ngay cả một tấc đất ông cũng sẽ không có được”.
Người nông dân đó nghĩ thầm: “Nếu như hôm nay ta vất vả một chút, đi nhiều đường hơn một chút, thì chẳng phải có thể đi được vòng rất lớn, theo đó sẽ có được một mảnh đất rất lớn hay sao? Làm ăn như vậy quả thật là rất có lợi!”. Thế là ông ta liền ký kết giao ước cùng người chủ đất đó.
Mặt trời vừa mới nhô lên, ông ta liền cất bước thật dài đi nhanh về phía trước; đến giữa trưa, bước chân của ông vẫn không dừng lại giây phút nào, cứ mãi đi về phía trước, trong lòng nghĩ: “Hãy ráng chịu đựng một hôm nay, sau này sẽ có thể hưởng thụ hồi báo của vất vả hôm nay mang đến rồi”.
Ông ta cứ thế tiếp tục đi về phía trước, đến khi mặt trời sắp lặn rồi mới chịu quay trở về, trong lòng vô cùng lo lắng, bởi vì nếu như không về kịp thì một tấc đất cũng chẳng có. Thế là ông ta vội vàng trở về theo đường tắt. Tuy nhiên, mặt trời sắp xuống núi, ông ta đành phải liều mạng mà chạy, cuối cùng chỉ còn thiếu vài bước thì đến vạch khởi điểm, nhưng sức lực đã cạn kiệt, ông ngã nhào xuống nơi đó.
Dục vọng của con người và ranh giới với hiện thực mãi mãi cũng không cách nào vượt qua được, bởi lòng tham là vô đáy. Con người mãi mãi không biết thỏa mãn, đây chính là khuyết điểm lớn nhất trong nhân cách.
Truyện thứ ba: Phật và ma
Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông muốn vẽ Phật và ma, nhưng không tìm được người làm mẫu phù hợp, vì đầu óc ông không tài nào tưởng tượng ra nổi hình dáng của Phật, nên rất lo lắng. Trong một lần tình cờ, ông lên chùa bái lạy, vô tình nhìn thấy một hòa thượng. Khí chất trên vị hòa thượng này đã thu hút người họa sĩ sâu sắc. Vậy là ông liền đi tìm vị hòa thượng đó, hứa cho hòa thượng một số tiền lớn để làm người mẫu cho ông.
Về sau, tác phẩm của họa sĩ đã hoàn thành, gây chấn động ở vùng đó. Nhà họa sĩ nói: “Đó là bức tranh vừa ý nhất mà tôi từng vẽ qua, bởi người làm mẫu cho tôi quả khiến người ta vừa nhìn thấy nhất định cho rằng anh ta chính là Phật, loại khí chất thanh thoát an lành trên người anh có thể cảm động bất kì ai”.
Người họa sĩ sau đó đã cho vị hòa thượng đó rất nhiều tiền như lời đã hứa.
Cũng nhờ bức tranh này, mọi người không còn gọi ông là họa sĩ nữa, mà gọi ông là “họa Thánh”.
Bẵng đi một thời gian, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào việc vẽ ma, nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó của ông, vì chẳng biết tìm hình tượng ma quỷ ở đâu. Ông đã hỏi thăm rất nhiều nơi, tìm rất nhiều người có vẻ ngoài hung dữ, nhưng không ai vừa ý cả.
Cuối cùng, ông tìm được trong nhà tù một tù nhân rất phù hợp với đối tượng ông cần vẽ. Họa sĩ vô cùng mừng rỡ, nhưng khi ông đối diện phạm nhân đó, người này đột nhiên khóc lóc đau khổ trước mặt ông.
Nhà họa sĩ rất lấy làm kinh ngạc, liền hỏi rõ ngọn ngành.
Người phạm nhân đó nói: “Tại sao lần trước khi người mà ông tìm để vẽ Phật là tôi, bây giờ khi vẽ ma quỷ, người ông tìm đến vẫn là tôi!”
Người họa sĩ giật cả mình, thế là ông lại nhìn kỹ người phạm nhân đó, rồi nói: “Sao lại có thể chứ? Người mà tôi tìm để vẽ Phật ấy khí chất phi phàm, còn cậu xem ra chính là một hình tượng ma quỷ thuần túy, sao lại có thể là cùng một người được? Điều này thật kì lạ, quả thật khiến người ta không thể nào lý giải được”.
Người kia đau khổ bi ai nói: “Chính là ông đã khiến tôi từ Phật biến thành ma quỷ”.
Họa sĩ nói: “Sao cậu lại nói như vậy, tôi vốn đâu có làm gì đối với cậu đâu”.
Ngươi đó nói: “Kể từ sau khi tôi nhận được số tiền ông cho, liền đi đến những chốn ăn chơi đàng điếm để tìm thú vui, mặc sức tiêu xài. Đến sau này, tiền tiêu sạch hết, mà tôi lại đã quen với cuộc sống đó rồi, dục vọng đã khởi phát mà không thể thu hồi lại được. Thế là tôi liền giật tiền người ta, còn giết người nữa, chỉ cần có được tiền, chuyện xấu gì tôi cũng có thể làm, kết quả đã thành ra bộ dạng này của ngày hôm nay đây”.
Người họa sĩ nghe xong những lời này, cảm khái vạn phần, ông sợ hãi than rằng bản tính con người trước dục vọng lại biến đổi mau chóng đến thế. Con người chính là yếu nhược như vậy đó. Thế là ông áy náy quăng cây bút vẽ xuống đất, từ đó về sau không còn vẽ bức tranh nào nữa.
Con người ta, một khi rơi vào trong cạm bẫy “theo đuổi ham muốn vật chất”, thì rất dễ đánh mất bản thân mình, muốn thoát ra khỏi đã trở thành mục tiêu rất khó khăn, vậy nên bản tính con người không thể đi cùng với lòng tham.
Thiền sư kể xong mấy câu chuyện, nhắm nghiền mắt lại không nói gì cả, còn người kia đã biết được đáp án từ trong những câu chuyện này: Thì ra điều đáng sợ nhất trên cõi đời này chính là dục vọng, dục vọng của người ta càng nhiều, thì sẽ càng không thỏa mãn, vậy nên sẽ càng không vui vẻ và phiền não vì thế cũng sẽ càng nhiều hơn.