Công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam Tổ quốc!
Ðọc lịch sử Việt Nam, người ngoại quốc nhận thấy có hai nét đặc trưng nổi bật: sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam và sự tham gia, hội diện với các nền văn minh bên ngoài, đặc biệt vùng biển Nam Á là nơi họp mặt giao thương của các nước Tây Phương từ thế kỷ 16.
Sức sống mãnh liệt ấy được nhìn thấy rõ qua cuộc Nam Tiến trường kỳ và liên tục (1).
Vừa thoát khỏi vòng đô hộ Trung Hoa giành lại quyền tự chủ, người Việt Nam lần hồi bành trướng lãnh thổ, lấn đất Chiêm Thành trong lịch sử năm thế kỷ, từ đó đi lần xuống đồng bằng sông Cửu Long, đụng độ với Phù Nam-Chân Lạp, lập nên Gia Ðịnh Thành mênh mông trù phú, Nam Việt ngày nay.
Quá trình phát triển đất đai về sau lịch sử gọi là Nam Tiến, hai chữ Nam Tiến viết hoa, bao gồm không những lịch sử cận đại Việt Nam, mà cả lịch sử Chiêm Thành và Phù Nam (Chân Lạp) văn hóa phồn thịnh lâu đời. Có thể nói được rằng lịch sử cận đại Việt Nam một phần không nhỏ là lịch sử Nam Tiến mà cao điểm là thời đại Gia Long, kết thúc với triều đại Minh Mạng hình thành quốc gia Việt Nam văn hiến, hùng cường đầu thế kỷ 19. Nhìn lại lịch sử xa xưa, lãnh thổ nước ta cho đến đời nhà Lý chỉ quanh quẩn vùng núi Hoành Sơn và miền trung du sông Hồng, sông Lam trở xuống; đến đời nhà Trần, chưa vượt quá đèo Hải Vân. Ðời Hậu Lê, cùng với chừng ấy diện tích lãnh thổ, có thêm vùng Thuận-Quảng, dân số tăng gia đến mức độ nhân mãn, đất đai đồng bằng sông Nhị Hà bắt đầu già nua kiệt lực.
Ðất nước đang chuyển mình (mà dấu hiệu đầu tiên là cuộc tranh chấp Nam-Bắc Triều, họ Lê, họ Mạc), cần thêm nguồn sinh lực mới. Ðây chính là thời điểm cuộc Nam Tiến chuyển đổi giai đoạn. Mặc dù phải tận lực đương đầu khó khăn và nguy hiểm với họ Trịnh trong cuộc nội chiến Ðàng Trong-Ðàng Ngoài, các chúa Nguyễn đã khôn khéo, lợi dụng đúng lúc tình hình chính trị bất ổn vì tranh chấp nội bộ của Phù Nam-Chân Lạp, tiếp tục cuộc Nam Tiến xa hơn, từ Tiền Giang-Hậu Giang nối liền đến kinh đô Nam Vang.
Ðàng Trong vừa mở mang bờ cõi phương Nam, nới rộng ranh giới phương Tây; vừa chiếm đất từng bước, vừa khai thác kinh dinh thật sự, chắc chắn vững vàng, tạo thế lực cho một phương Nam hùng cứ khởi sắc.
Ðất đai mới đem lại yếu tố văn hóa; cuộc Nam Tiến ăn sâu bén rễ lâu ngày tạo nên sức mạnh tinh thần cho lớp di dân Ðàng Trong. Sống chung Chiêm Thành và Chân Lạp chỉ mới là lớp sóng xao động Nam Tiến bên ngoài buổi ban đầu giao lưu, sinh hóa, trưởng thành, kết tinh nền văn hóa, văn minh Phú Xuân-Việt Nam chính là điểm thành tựu sau cùng cần được các sử gia ngày nay phân tích sâu rộng.
Nếu chỉ nhìn Nam Tiến như một sự kiện cô lập trong không gian, giới hạn Nam Tiến qua những biên niên năm tháng hay địa danh, sẽ không thấy rõ hết sự nối tiếp liên tục vận động lịch sử mang dấu tích thời đại; nói rõ hơn ý nghĩa và ảnh hưởng Nam Tiến đối với quốc gia dân tộc Việt Nam.
Từ thế kỷ thứ 10, trên giải đất Việt Nam ngày nay đã có ba nền văn hóa, văn minh biệt lập: văn hóa Ðông Sơn nước Ðại Việt, văn hóa Lâm Ấp-Chiêm Thành và văn hóa Phù Nam-Chân Lạp phát triển tận cùng với đế quốc Khmer. Châu Ô, Châu Lý sát nhập vào bản đồ Ðại Việt (1306), Hóa Châu (Huế) đã trở thành địa bàn giao lưu, hội tụ hai nền văn hóa Ðông Sơn và Sa Huỳnh (Chiêm Thành) lâu dần kết tụ thành văn hóa Thuận Hóa-Phú Xuân, riêng biệt với bản sắc Huế nhưng vẫn hòa đồng với văn hóa Ðại Việt miền Bắc.
Ði xa hơn vào phương Nam, giao thoa với văn hóa Óc Eo-Phù Nam-Chân Lạp, lần này trong một không gian văn hóa tỏa rộng đến thế giới Nam Hải với các hải đảo xa xôi mang dấu tích văn minh Ấn Ðộ. Cương giới mở rộng gấp đôi so với các đời Lê, Lý, Trần, Ðàng Trong có đủ điều kiện kết tinh từ văn hóa Thuận Hóa-Phú Xuân đến văn hóa Huế-Việt Nam trong một quốc gia xây dựng trên vương triều hoàn chỉnh, một nền thống nhất to lớn thật sự lần đầu tiên từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Và kinh đô Phú Xuân-Huế từ nay nghiễm nhiên là trung tâm văn hóa cả nước, muôn dặm tạo cơ đồ, đời đời văn hiến, như còn ghi khắc nơi điện Thái Hòa:
“Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ…”
Dưới đây trước hết là những nét đại cương về lịch sử Nam Tiến, tiếp theo bàn về ý nghĩa và ảnh hưởng công trình Nam Tiến đối với vận mệnh quốc gia Việt Nam. *
Nhìn lại lịch sử Nam Tiến
Trận chiến lớn đầu tiên Việt-Chiêm xảy ra đời Tiền Lê (905-1005): hai lần vua Lê Ðại Hành cử binh “phạt” Chiêm: Chiêm vương bỏ thành chạy, kinh đô thành trì bị quân ta đốt phá, vàng bạc châu báu tịch thu khá nhiều. Trong thế yếu, Chiêm Thành xin triều cống, nhưng rồi lại tìm cơ hội đối địch, cũng là lẽ tự nhiên xưa nay.
Nối tiếp cuộc hành quân năm 1044 đời vua Lý Thái Tông, năm 1069 vua Lý Thánh Tông thống lãnh binh mã, đổ bộ lên cửa bể Thi Lợi Bỉ Nại (Sri Banoy) tiến chiếm kinh đô Vijaya. Chế Củ (Rudravarman III) xin dâng ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính (Quảng Bình-Quảng Trị) (2). Cuộc chiếm đất chỉ có tiếng vì sau đó không lâu, Chiêm Thành lại nổi lên đòi lại.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt cử binh đánh Chiêm Thành nhưng không thành công, ngoài việc vẽ bản đồ ba châu nói trên.
Làm lễ cưới công chúa Huyền Trân, năm 1306 Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) xin dâng hai châu Ô-Lý, một năm sau đổi thành Thuận Châu, Hóa Châu. Chế Mân chết, Chế Chỉ và Chế Năng (Chế Ðà A Ba Niên) liên tiếp nối ngôi không ngừng mưu định khôi phục Thuận Châu-Hóa Châu. Vua Trần Anh Tôn năm 1311 lại có dịp “phạt” Chiêm, bắt được Chế Chỉ (Jaya Sinhavarman IV) đem về Thăng Long. Hận thù Chiêm-Việt thêm sâu sắc kể từ đây.
Sau trận chiến Chiêm-Việt năm 1318, nội bộ Chiêm Thành chia rẽ. Thất bại trong việc tranh giành ngôi vua với anh rể Trà Hoa Bồ Ðề (năm 1342), con Chế Chỉ là Chế Mổ chạy sang cầu cứu Ðại Việt. Vua Trần Dụ Tôn cho đưa Chế Mổ về nước (1353), nhưng vừa đến Cổ Lũy (Tư Nghĩa-Quảng Ngãi) thì bị chận đánh, phải trở về Thăng Long.
Mấy năm sau Chiêm vương Trà Hoa Bồ Ðề sai sứ sang đòi lại Hóa Châu. Cuộc vận động ngoại giao không thành, và cả bằng vũ lực sau đó cũng thất bại liên tiếp mấy lần. Ðến lượt nhà Trần suy yếu và nước láng giềng phương Nam vùng dậy. Vị anh hùng của dân tộc Chiêm Thành trong giai đoạn này (1369-1390) là Chế Bồng Nga sau này ra vào Thăng Long “như chỗ không người,” vua tôi nhà Trần mấy phen hãi hùng khiếp sợ phải đi lánh nạn.
Lần đầu tiên, năm 1370, thủy quân Chế Bồng Nga đổ bộ cửa Ðại An (Ðại An hay Ðại Ác, cửa sông Ðáy) kéo lên Thăng Long, đốt sạch cung điện, thâu tóm châu báu vàng bạc đem về.
Mấy năm sau (1376) được tin Chiêm Thành chuẩn bị đánh Thuận-Hóa, từ các tỉnh Thanh-Nghệ đến Thuận-Hóa tiếp vận binh mã lương thực, vua Trần Duệ Tông thống lãnh 12 vạn quân thủy bộ tiến vào cửa Thị Nại (Thi Lợi Bỉ Nại), chiếm xong căn cứ Kỳ Mang (Y Mang) tiến lên kinh đô Ðồ Bàn (Vijaya). Bị mưu kế phục kích của Chế Bồng Nga, vua Duệ Tông tử trận, quân ta một số đầu hàng, một số (trong đó có Hồ Quý Ly) theo đường biển chạy thoát.
Lần thứ ba, tháng 5 năm Mậu Ngọ (1378), càn quét xong Nghệ An, Chế Bồng Nga thẳng đường tiến binh ra Thăng Long tàn phá như hai lần trước. Kết quả sau cùng là lãnh thổ Ðại Việt, từ Thuận Hóa-Tân Bình đến Nghệ An bị quân Chiêm Thành chiếm đóng. Khí thế Chiêm Thành uy hiếp Thăng Long vẫn đè nặng, từ năm 1380 đến năm 1382, cho đến khi Chế Bồng Nga tử trận trên sông Hoàng Giang vì sự phản bội của tùy tướng Bá Lâu Khê. Cái chết của Chế Bồng Nga không những đã cứu nguy kinh đô Ðại Việt mà còn tránh cho nhà hậu Trần khỏi phải ghi lại trang sử bi đát hơn.
Chế Bồng Nga mất, tướng Lã Khải (Ko Cheng, sử Tàu phiên âm) thừa dịp cướp ngôi. Hai con Chế Bồng Nga, Chế Ma Nô Ðã Nan và Chế San Nô chạy sang núp bóng Ðại Việt chờ cơ hội.
Sau ngày Lã Khải mất, lần thứ hai (1402) Hồ Quý Ly sai Ðỗ Mãn đem quân đánh Chiêm Thành; Chiêm vương Campadhiraya (Ba Ðích Lại) xin nhường đất Chiêm Ðộng (Indrapura, phủ Thăng Bình, Quảng Nam). Trên đà thắng lớn, Hồ Quý Ly đòi thêm đất Cổ Lũy (Quảng Ngãi). Ðất đai miền Bắc Chiêm Thành (Amaraviti) như vậy thuộc về nước ta. Bất hợp tác, người Chiêm Thành lánh cư chạy xuống miền Nam; vùng Amavariti vừa chiếm được trở thành đồng không nhà trống. Hồ Quý Ly bèn cho thi hành chính sách di dân bắt buộc đối với những người không có ruộng đất cày cấy.
Cũng với biện pháp mạnh, năm 1403 Hồ Quý Ly lại sai tướng Ðỗ Mãn đem hai vạn quân trở lại Chiêm Thành. Hơn chín tháng trời mới tới được thành Ðồ Bàn (Chà Bàn). Cuộc viễn chinh xa xôi tốn kém nhưng rồi binh lương thiếu thốn, bệnh tật chết chóc, hao binh tổn tướng, cuối cùng trở về không. Việc khai phá vùng đất mới đang phôi thai thì xảy ra cuộc chiến tranh chống xâm lăng nhà Minh lấy danh nghĩa “điếu phạt” nhà Hồ, tạo cơ hội cho Chiêm vương Ba Ðích Lại dùng võ lực thu hồi lãnh thổ, triệt tiêu luôn kế hoạch di dân khai phá đất đai Chiêm Thành của Hồ Quý Ly.
Tìm cơ hội hành quân “phạt” Chiêm, năm 1469 vua Lê Thánh Tông đưa yêu sách ngoại giao khác thường: lễ vật cống hiến. Là phiên vương đối với hai nước Trung Hoa và Ðại Việt, Chiêm Thành phải cống hiến lễ vật hai nước bằng nhau (3). Không chấp nhận đòi hỏi của Ðại Việt hay dựa thế nhà Minh muốn “thử sức” Ðại Việt, đạo quân Chiêm vương Trà Toàn vượt biên giới tấn công Thuận Hóa. Một cuộc hành binh thử sức thật sự vì đánh phá xong lại trở về để rồi năm sau tiếp tục hành quân lớn hơn: mười vạn quân và voi trận, chủ lực tấn công của Chiêm Thành.
Trà Toàn xâm phạm biên cương là cơ hội vua Lê Thánh Tông chờ đợi để thống lãnh 15 vạn quân tướng đổ bộ Sa Kỳ (Quảng Ngãi) chiếm luôn kinh đô Trà Bàn (Chà Bàn – Bình Ðịnh). Trà Toàn bị bắt đưa về Thăng Long nhưng vừa đến Nghệ An thì mất.
Tướng Chiêm là Bô Trí Tri cùng với tàn quân lui về giữ Phan Lung (Phan Rang – Panduranga) tự xưng làm vua, sai sứ xin trở lại thần phục nhà Lê. Núi Thạch Bi giữa hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa đến mũi Varella tạm thời làm biên giới Chiêm-Việt. Vùng đất Chiêm vừa chiếm được, vua Lê Thánh Tông chia nhỏ thành ba “nước”: Chiêm Thành hay Ðại Chiêm, Hoa Anh và Nam Phan (4), mấy tháng sau trở thành phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn.
Nam Tiến thời đại các chúa Nguyễn
Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558), phần cực Nam nước Ðại Việt là huyện Tuy Viễn (trấn Quảng Nam). Bên kia đèo Cù Mông (giữa Phú Yên-Bình Ðịnh) là đất đai Chiêm Thành. Năm 1611, trấn thủ Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong vượt đèo Cù Mông mở đầu cuộc Nam Tiến thắng lợi: Ðàng Trong có thêm phủ Phú Yên (về sau đổi thành Trấn Biên) gồm hai huyện Ðồng Xuân và Tuy Hòa.
Năm 1653 đến lượt chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đưa quân dân vượt đèo vượt núi (Thạch Bi) lấn chiếm lãnh thổ Chiêm Thành đến tận Phan Rang, đặt dinh Thái Khương với hai phủ Thái Khương (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh).
Nam Tiến lại tiếp tục; năm 1692 chúa Nguyễn Phúc Chu chiếm trọn đất Phan Rí, về sau gọi là trấn Thuận Thành (tiếp sau nữa, Bình Thuận). Chiếm đóng bằng võ lực không mấy khó khăn, nhưng cai trị nước người không dễ. Ðể trấn an vỗ về người Chiêm nhiều lần nổi loạn, chúa Nguyễn Phúc Chu phong Kế Bà Tử làm phiên vương để cai trị người Chiêm, hàng năm giữ lệ cống hiến.
Từ căn cứ Thuận-Quảng, đến đây các chúa Nguyễn đã nới rộng Ðàng Trong đến tận Bình Thuận. Cho đến hết đời Kế Bà Tử, Chiêm Thành chỉ còn lại một mảnh đất nhỏ gọi là Thuận Thành và chức phiên vương không thực quyền. Ðàng Trong lập thêm ba dinh mới Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận:
Lịch sử Lâm Ấp-Chiêm Thành, ra đời khoảng năm 190-192 sau cuộc nổi dậy của Khu Liên chống chế độ nhà Hán, đến đây chấm dứt. Người Chiêm Thành còn đó (5), sống chung hòa đồng thuận thảo với người Việt, trở thành công dân Việt Nam nhưng quốc hiệu Chiêm Thành, Champa, Nagara Campa và trước đó Lin Yi (Lâm Ấp) độc lập hùng cường khi Giao Chỉ còn nội thuộc nước Tàu, từ nay không còn nữa trên bán đảo Ấn Ðộ Chi Na. Cuộc Nam Tiến tiếp nối sang giai đoạn khác, quan trọng hơn, ảnh hưởng lớn lao hơn, nhờ đó tạo thành một nước Việt Nam vị trí địa dư hoàn chỉnh, từ Bắc xuống Nam, hình cong chữ S, bao lơn của Thái Bình Dương…
Nước láng giềng phương Nam cùng chung văn hóa, chủng tộc với Chiêm Thành là Phù Nam-Chân Lạp (6), vì hoàn cảnh địa lý chính trị, có khi là đồng minh liên kết, có khi trở thành thù địch với Chiêm Thành, kéo dài chiến tranh đến gần thế kỷ. Phù Nam-Chân Lạp hùng mạnh ở Ðông Nam Á nhờ canh nông phát triển, nhờ tiếp xúc giao thương với Trung Hoa, Nhật Bản và các nước Tây Phương. Giáp giới Chiêm Thành và sau này với Ðàng Trong, Phù Nam-Chân Lạp dù muốn hay không đã tiếp nhận các nhóm di dân tự động Ðàng Trong lần hồi theo làn sóng Nam Tiến đến khai phá rừng hoang, khai canh lập nghiệp, đông đảo nhất vùng Mô Xoài-Ðồng Nai.
Thêm một yếu tố lịch sử thuận lợi bất ngờ: để giữ thế quân bình chính trị và quân sự với Xiêm La, triều đình Chân Lạp đang cần bang giao thân thiện với các chúa Ðàng Trong.
Từ Huyền Trân công chúa đời Trần, lịch sử Nam Tiến đến đây vinh danh thêm một giai nhân lá ngọc cành vàng khác, con gái chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Hy Tông Hoàng Ðế. Năm 1620, vua Chân Lạp Prea Chey Chetta II đẹp duyên cùng công chúa Ngọc Vạn. Cuộc hôn nhân có ảnh hưởng lớn lao đối với vận mệnh hai nước; thuận lợi cho Ðàng Trong nước Ðại Việt nhiều hơn (7). Nhờ công nương Ngọc Vạn, triều đình Oudong đón nhận một số văn võ quan Ðàng Trong làm “cố vấn” và triều đình Thuận Hóa có thêm cơ hội can thiệp vào nội bộ Chân Lạp. Nhờ sự che chở của hoàng hậu Ngọc Vạn, người xứ Ðàng Trong tự do di dân đến Chân Lạp mỗi ngày một nhiều hơn, bảo đảm hơn.
Năm 1623, sứ bộ Ðàng Trong đến kinh đô Oudong điều đình việc lập đồn kiểm soát quan thuế tại Preykor (Sài Gòn sau này) được quốc vương Chân Lạp chấp thuận dễ dàng. Có Preykor làm đầu cầu chiến lược, việc di dân có căn bản vững chắc, tha hồ tỏa rộng nối dài.
Năm 1658, ba mươi năm sau ngày Prea Chey Chetta II mất, vì sự tranh giành ngôi báu với Nặc Ông Chân và do ảnh hưởng của thái hậu Ngọc Vạn, đám hoàng thân mất ngôi chạy sang nương nhờ chúa Nguyễn. Tướng Nguyễn Phúc Yến theo lệnh chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đem 3000 quân đến Mô Xoài bắt Nặc Ông Chân đưa về an trí tại Quảng Bình và phong cho con trai thái hậu lên làm vua: quốc vương Batom Reacha Pontana Reja.
Năm 1674, Nặc Ông Ðài (Ang Chey) đảo chánh cướp ngôi vua, Nặc Ông Nộn (con thứ hai thái hậu Ngọc Vạn) lại trở về họ ngoại cầu cứu. Chúa Hiền sai cai cơ Nguyễn Dương hành quân tiến chiếm Sài Côn, Gò Bích, Nam Vang. Nặc Ông Ðài tử trận. Ðể tỏ ra đối xử công bằng với các hoàng thân cùng cha khác mẹ đang giành nhau ngôi báu, chúa Hiền phong cho Nặc Ông Thu (Ang Saur) làm chính vương ở Oudong, Nặc Ông Nộn làm Ðệ nhị vương đóng đô ở Sài Côn (Prey Nokor).
Năm 1679, một cộng đồng tỵ nạn Trung Hoa hơn 3000 người, những quan quân nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh với tổng binh Dương Ngạn Ðịch, phó tướng Hoàng Tiến và hai tổng, phó binh họ Trần, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình cùng với 50 chiến thuyền đến cửa Tư Hiền và cửa Thuận an xin yết kiến chúa Nguyễn. Ðang sẵn có ý định khai khẩn vùng đất Ðồng Nai, chúa Hiền sai hai tướng Văn Trình, Văn Chiêu (sử ta không ghi họ) đưa đám quân binh nhà Minh vào Nam, mang theo quốc thơ gởi vua Chân Lạp yêu cầu cấp phát đất đai và đối xử tử tế với nhóm di dân mới, phân chia nhau bọn Dương Ngạn Ðịch định cư ở Mỹ Tho và các tướng tá họ Trần ở Bàn Lân (Biên Hòa).
Nhờ lớp di dân Trung Hoa tỵ nạn này, hai thị trấn được thành lập: Ðại Phố Châu (Cù Lao Phố) ở Biên Hòa và Mỹ Tho đại phố, lần lần trở thành hai trung tâm thương mại phồn thịnh đón tiếp nhiều ghe thuyền ngoại quốc ra vào mua bán. Biên Hòa chính thức sát nhập vào lãnh thổ Ðàng Trong, và Mỹ Tho trên thực tế đã trở thành vùng đất Nam Tiến tự trị.
Năm 1688 Hoàng Tiến nổi loạn giết Dương Ngạn Ðịch, đem quân đóng ở Rạch Nan (Nan Khê) đánh nhau với người Cao Miên, Nặc Ông Thu thừa dịp này cầu viện Xiêm, ly khai với chúa Nguyễn. Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính được lệnh chúa Nguyễn Phúc Trăn vào kinh lược Cao Miên. Nguyễn Hữu Kính đem quân chiếm đóng Nam Vang, giết được Hoàng Tiến và bắt Nặc Ông Thu đem về Sài Côn, đưa con là Nặc Ông Nộn lên làm vua đóng đô ở Gò Bích (Loveik).
Ðồng Nai-Gia Ðịnh đã vững vàng, chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức đặt nền cai trị trực tiếp, phân chia lãnh thổ hành chánh, thành lập hai dinh Trấn Biên (Biên Hòa) và Phiên Trấn (Gia Ðịnh), lấy đất Nông Nại (Ðồng Nai) làm huyện Phước Long, Sài Côn làm huyện Tân Bình; bổ nhiệm văn võ quan vào các chức vụ lưu thủ, cai bộ, ký lục; tổ chức quân binh theo cơ đội, bộ binh thủy binh. Thành tích được ghi nhận tốt đẹp hơn cả là chiêu mộ thêm lưu dân từ Thuận-Hóa Châu trở vào, hệ thống hóa các lớp di dân mới cũ thành làng xã, thôn ấp; ruộng đất, nhà cửa, nhân khẩu kê khai theo đinh, địa bộ, như sau này Gia Ðịnh Thành Thống Chí ghi rõ, “… đất đai mở rộng thêm 1000 dặm, dân số trên 40.000 hộ (nhà), mọi người đều được phân chia ruộng đất cày cấy…”
Việc khai phá mở mang tốt đẹp Biên Hòa-Mỹ Tho góp phần công lớn thành lập Gia-Ðịnh-Thành của hai nhóm Trung Hoa tỵ nạn Dương Ngạn Ðịch và Trần Thượng Xuyên, là món quà Nam Tiến đầu tiên hiến dâng các chúa Ðàng Trong. Như “sách trời định phần” việc Mạc Cửu tiếp sau dâng đất Hà Tiên là một tặng phẩm chiến lược độc nhất vô nhị. Uy quyền triều đình Thuận Hóa-Phú Xuân từ đây tỏa rộng từ Tiền Giang, Hậu Giang đến vịnh Xiêm La. Nhờ Hà Tiên dinh trấn, thế lực chúa Nguyễn còn đi xa hơn, nối liền Thủy Chân Lạp với Lục Chân Lạp, mở đường việc bảo hộ Cao Miên sau này.
Mạc Cửu, người Quảng Ðông, trước đây ở Sài Mạc, buôn bán kinh doanh phát đạt, tập họp lưu dân lập thành bảy xã ở Hà Tiên, thấy Chân Lạp nổi loạn liên miên bèn dâng đất Hà Tiên, thần phục triều đình Thuận Hóa-Phú Xuân. Chúa Nguyễn Phúc Chu phong cho Mạc Cửu chức Tổng binh trấn Hà Tiên làm phiên thuộc (tự trị), tiếp tục công việc khai hóa Hà Tiên; quan trọng hơn cả, canh chừng và ngăn chặn ảnh hưởng Xiêm La.
Mùa xuân năm Nhâm Tí (1732) nới rộng địa bàn hành chánh quân sự, chúa Nguyễn Phúc Trú lập dinh Long Hồ và châu Ðịnh Viễn (Long Hồ, Vĩnh Long nguyên trước là đất Mê Sa và Long Hor do Nặc Tha “xin nhượng,” trên thực tế đã thuộc quyền kiểm soát của Ðàng Trong).
Năm 1753, nội tình Chân Lạp rối ren, hoàng gia Cao Miên một số theo về các chúa Ðàng Trong, một số có sẵn cảm tình chủng tộc với Xiêm La, càng thêm rắc rối hơn. Ðể ổn định tình hình, chúa Nguyễn Phúc Trú hạ lệnh cho Thiện Chánh làm thống xuất, Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu vào Cao Miên kinh lược, trọn quyền điều động quân tướng năm dinh từ Bình Khang trở vào. Thành Nam Vang bị chiếm đóng dễ dàng; quốc vương Cao Miên Nặc Ông Nguyên chạy về Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ che chở. Ðể “chuộc tội” đã về hùa theo Xiêm La, cầu viện chúa Trịnh và nhờ Mạc Thiên Tứ tâu xin, Nặc Ông Nguyên được trở lại ngôi vua (1756) xin “dâng” hai phủ Tầm Ðôn và Xoài Rạp.
Nặc Ông Nguyên mất (1757), Nặc Ông Nhuận giữ quyền nhiếp chính, lại dâng thêm đất Trà Vinh và Ba Thát (Ba Thắc – Bassac), chẳng bao lâu lại bị Nạc Hinh giết. Cháu Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu. Sắc phong cho Nặc Tôn làm vua Cao Miên, chúa Nguyễn Phúc Khoát sai Mạc Thiên Tứ tập họp binh mã đem Nặc Ông Tôn về Nam Vang làm lễ tấn phong. Ðể tạ ơn chúa Nguyễn, Nặc Tôn xin dâng đất Tầm Phong Long (An Giang) đồng thời cũng để cám ơn công lao Mạc Thiên Tứ, Nặc Ông Tôn đem năm phủ Vũng Thơm, Cần Bột (Kampot), Châu Sâm, Sài Mạc và Linh Quỳnh làm quà tặng thêm ân nhân Mạc Thiên Tứ. Với phần đất tặng biếu này, đất đai Hà Tiên mở rộng; Mạc Thiên Tứ theo lệnh chúa Nguyễn, đặt Rạch Giá thành đạo Kiên Giang, Cà Mâu thành đạo Long Xuyên.
Như vậy, cùng với việc thành lập trước đây (theo đề nghị của phái đoàn kinh lược Thiện Chánh Hầu và Nguyễn Cư Trinh) các đạo Ðông Nhẫn (Sa Ðéc), đạo Tân Châu ở Tiền Giang, đạo Châu Ðốc ở Hậu Giang, hầu hết đất đai Thủy Chân Lạp thuộc quyền kiểm soat của triều đình chúa Nguyễn ở Phú Xuân.
Nặc Ông Tôn triều cống người Việt; không thể ngồi yên chờ đợi, vua Xiêm La Trịnh Quốc Anh liền cử binh tiến chiếm Cao Miên. Ðại quân thủy bộ Xiêm La đem toàn lực uy hiếp Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ và hai con chạy thoát cùng lui về Châu Ðốc liên lạc với đạo quân của Tống Phước Hạp. Chiếm xong Hà Tiên, quân Xiêm La tiến lên kinh đô Nam Vang đưa Nặc Ông Nộn lên làm vua, thay thế Nặc Tôn.
Cuộc đụng độ quân sự lớn lao nhất Việt-Xiêm khởi đầu. Ðến lượt chúa Nguyễn không thể ngồi yên bỏ rơi Nặc Tôn. Năm 1772 triều đình Phú Xuân hạ lệnh Chưởng Cơ Nguyễn Cửu Ðàm thống xuất 10.000 quân binh thủy bộ và 30 chiến thuyền phối hợp với đạo quân Long Hồ do Nguyễn Khoa Chiêm chỉ huy tiến lên Nam Vang đánh tan quân Xiêm La, đưa Nặc Ông Tôn trở lại ngôi vua. Với cuộc hành quân chính trị này, triều đình Phú Xuân nắm đủ thời cơ thuận lợi đặt nền bảo hộ nước láng giềng Cao Miên.
Năm 1778 thành Gia Ðịnh về tay nhà Nguyễn Tây Sơn, Xiêm La trở lại chiếm đóng Nam Vang từ đó cho đến năm 1801, đến lượt vua Gia Long giành lại quyền bá chủ Chân Lạp-Cao Miên. “Quyền” bảo hộ được Xiêm La nhìn nhận, thời tổng trấn Gia Ðịnh Thành Lê Văn Duyệt, khi đội quân cuối cùng của Xiêm La phải rời khỏi Battambang, từ đó cho đến đầu triều đại vua Thiệu Trị, năm 1847 với hai sắc dụ cuối cùng cáo chung một thời vang bóng: phong Nặc Ông Ðôn làm quốc vương Cao Miên và Mỹ Lâm quận chúa làm Cao Miên Quận Chúa.
NGUYÊN HƯƠNG
Chú thích:
-
Yoshiharu Tsuboi: L’Empire Vietnamien face à la France et à la Chine. L’Harmattan. Paris 1987.
-
Về các địa danh Chiêm Thành, kinh đô thay đổi nhiều lần, xin đọc thêm Le Royaume de Champa: Georges Maspéro. EFEO Paris 1928.
-
Tuy rằng Ðại Việt và Chiêm Thành vẫn đi lại cống hiến Trung Hoa, sứ bộ hai nước có khi còn “chộ mệ” (gặp nhau) tại triều đình Trung Hoa, nhưng Ðại Việt vẫn coi mình là “thượng quốc” và Chiêm Thành là “phiên thuộc.” Nổi tiếng giàu có về vàng bạc, ngọc ngà châu báu, lễ vật cống hiến của Chiêm Thành thường thường rất hậu hỉ, gồm có sản vật địa phương như ngà voi, sừng tê giác, giáng hương, kỳ nam, bạch đàn, nhục quế, long não… Voi và tê giác là hai (con) vật cống lễ không thể thiếu được. Lỡ thiếu, cả Trung Hoa lẫn Ðại Việt, thường “nhắc khéo” thuộc quốc, có khi trả lại không nhận!
Nhiều lần liên tiếp, Chiêm Thành cống hiến Trung Hoa mấy con voi trắng (bạch tượng) và tê giác trắng rất quý hiếm; lâu ngày thành lệ như trường hợp vua Lê Thánh Tôn bắt Chiêm Thành phải cống một cặp bạch tượng.
Tiếp sứ bộ Chiêm Thành hôm ấy, vua Lê Thánh Tôn truyền phán đại ý: “Là phiên quốc đối với Ðại Việt, Chiêm Thành phải làm đầy đủ bổn phận… lần này phải dâng thêm voi, tê giác và ngọc hỏa châu… Sứ thần Chiêm Thành tâu xin: “Tệ quốc lâu nay vẫn thần phục quý quốc, vâng theo thánh ý bệ hạ như con cái vâng lời cha mẹ. Nay bệ hạ truyền dâng thêm cống phẩm, hạ thần không thể tuân hành ngay được. Cúi xin bệ hạ ban lệnh cho sứ thần quý quốc đến tệ quốc bàn định…” (Chuyển ngữ đoạn này theo bản Pháp văn: Le Royaume du Champa. tr. 235 sđd).
Sứ Chiêm về tâu lại, Chiêm vương Trà Toàn không chấp thuận. Trà Toàn trước đây thường cho người qua Trung Hoa kiện cáo về việc Ðại Việt gây hấn Chiêm Thành, tuy có lúc vẫn cho quân xâm phạm lãnh thổ Ðại Việt. Việc yêu sách cống phẩm trên chỉ là lý do bề mặt để dò xem phản ứng Chiêm Thành. Và đúng như vua Lê Thánh Tôn dự đoán; sau khi cho người cấp báo triều đình Trung Hoa, Trà Toàn ra tay trước bằng cuộc hành quân tấn công Thuận-Hóa như đã ghi trên.
-
Ðể làm suy yếu thế lực Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tôn xé nhỏ phần đất mới chiếm được thành ba nước, mỗi nước một quốc vương riêng: Ðại Chiêm hay Chiêm Ðộng (thuộc phía bắc lãnh thổ Chiêm Thành, gọi là Amaravati, tỉnh Quảng Nam ngày nay) ranh giới kéo dài từ Nam Ngãi đến Chà Bàn (Bình Ðịnh); Hoa Anh ở phía Nam Chiêm Ðộng (có thể là vùng đất Phú Yên) và Nam Phan (hay Nam Bàn) ở phía tây Hoa Anh lan rộng đến vùng núi Trường Sơn, sau này là hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá, sách Ðại Nam Thực Lục thường nói đến.
Nên biết qua, miền Bắc Chiêm Thành (Amavarati) gồm có kinh đô (một trong những kinh đô) Indrapura và cửa bể Ðại Chiêm, Sinhapura, trên sông Thu Bồn (sông Sinhapura như người Chiêm gọi). Phần đất miền Nam Chiêm Thành còn lại gồm có từ Kanthara (Khánh Hòa), Panduranga (Phan Rang) trở vào cho đến Bình Thuận (Vijaya, sử ta gọi là Phật Thệ).
Trên thực tế lịch sử, rất khó định rõ vị trí “tam quốc” nói trên; việc chú thích gần-gần-đúng chỉ có mục đích để bạn đọc dễ theo dõi, trong khi Chiêm Thành lần lần mất hết đất đai kể từ đây.
-
Nước Chiêm Thành không còn nữa, một số người Chiêm chạy sang hướng Tây miền Thượng Sơn sống lẫn lộn với các sắc dân thiểu số; một số chạy sang miền đông Cao Miên, sử ta sau này gọi là người Côn Man. Số người Chiêm còn lại quy tụ ở Phan Rang, Phan Thiết gọi là người Chàm, người Hồi, hay Lồi (Thành Lồi).
Năm Minh Mạng thứ 20, nhà vua sắc dụ đổi tên thổ dân địa phương, từ nay gọi là Tân dân – dân mới – (sau này năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, bắt chước theo, cũng gọi đồng bào thiểu số là Việt Nam mới):
“Nguyên Thuận Thành đã được phân thiết phủ huyện… thổ dân bây giờ ăn bận đều đã giống người kinh… mới được cải cách mà đã tiêm nhiễm khá nhiều phong hóa miền kinh, biết phục dịch công vụ, đã nhạy cảm theo phong hóa mới… Từ nay về sau, phải gọi họ là tân dân (dân Việt Nam mới). Mặt khác cũng phải nói cho họ biết phải tự xưng mình là tân dân, cho biết rõ cái ý nghĩa “nhất thị” (cùng dòng giống Việt Nam như những người Việt Nam khác).
Theo G. Maspero (sđd), đầu thập niên 20 có độ chừng 60.000 người Chàm ở Cao Miên theo Hồi Giáo và ở Phan Rang, Phan Thiết trên dưới 30.000 người. Người Chàm theo Hồi Giáo ở miền Nam Trung Việt gọi là Chàm Bani, phiên âm theo tiếng Ả Rập, có nghĩa là “con cái” đấng Tiên Tri.
-
Gọi Phù Nam-Chân Lạp (Chân Lạp-Cao Miên) để độc giả dễ theo dõi liên tục lịch sử nước láng giềng Cao Miên ngày nay.
Chân Lạp, nguyên trước là nước Phù Nam (Fu Nan) một quốc gia hùng mạnh theo văn minh Ấn Ðộ, lãnh thổ rộng lớn bao gồm ngoài Cao Miên và Nam Việt ngày nay, còn có thêm Hạ Lào và một phần miền đông biên giới Xiêm La.
Vào giữa thế kỷ thứ 6, người Chân Lạp (Kambuja, tổ tiên người Khmer sau này) nổi lên chiếm nước, lần lần thay thế địa vị Phù Nam làm bá chủ vùng tây nam Ấn Ðộ Chi Na; định đô ở Angkor. Sau ngày Jayawarman mất, nội bộ Chân Lạp chia rẽ vì tranh giành ngôi vua. Ðến đầu thế kỷ thứ 8, Chân Lạp chia thành hai nước: Lục Chân Lạp (Cambhupura) và Thủy Chân Lạp (Viadhapura, Nam Việt sau này). Một thế kỷ sau hợp nhất lại; nước Chân Lạp thống nhất mở đầu giai đoạn thịnh trị của đế quốc Khmer cho đến giữa thế kỷ 15.
Kéo dài chiến tranh với Chiêm Thành trên một thế kỷ, tiếp đến đụng độ với Ðàng Trong, nội bộ xâu xé chia rẽ, lúc ngả theo Xiêm La, lúc theo về các chúa Nguyễn Ðàng Trong, đất nước Chân Lạp-Cao Miên biến thành bãi chiến trường hai nước Xiêm La và Ðại Việt Ðàng Trong. Từ quốc hiệu Phù Nam đến Chân Lạp đổi thành Cao Miên đầu thế kỷ 18, nước Cao Miên suy yếu dần cho đến khi trở thành thuộc quốc của Việt Nam vào cuối thế kỷ 18.
-
Xem: Công Nương Ngọc Vạn. Lệ Vân. T.S.H Dallas. 1992.
- Hình ảnh chú thích trong bài thu thập từ nhiều nguồn bởi sggdpost