Phản biện bài viết về Hồ Quý Ly

Tư liệu cổ quý giá về thành nhà Hồ, được in trong quyển “La Province de Thanh Hoa” (một tác phẩm nghiên cứu địa lý, lịch sử tỉnh Thanh Hoá của học giả người Pháp H.Le Breton, xuất bản năm 1919)

Hôm trước, mình có đọc bài viết của X-File về vị vua Hồ Quý Ly. Theo đó, tác giả đánh giá Hồ Quý Ly là 1 vị vua hùng tài đại lược nhưng sinh nhầm thời nên thất bại… Đây là bài viết về Hồ Quý Ly của Dũng Phan. Quan điểm của mình thì lại khác.

Ghi chú: ở đây không đánh giá về việc tranh giành quyền lực vì bất kì cuộc chính biến nào cũng đều đẫm máu cả.

+ THỨ 1: ĐỐI NỘI

Theo mình, ngoài những thủ đoạn chính trị để loại bỏ đối thủ và thâu tóm quyền lực thì Hồ Quý Ly không giỏi như nhiều bạn đánh giá là giỏi chính trị kém quân sự. Bởi lẽ:

Nếu giỏi chính trị thì với những năm nắm quyền thái sư, được vua tin tưởng tuyệt đối, gần như trị vì 1 quốc gia… nhưng Hồ Quý Ly đã để đất nước càng ngày cành rối loạn, đời sống nhân dân cực khổ. Điều đó cho thấy mọi biện pháp ông đưa ra để giải quyết vấn đề trong tình thế bức bách chỉ là gọt đẽo phần ngọn chứ không giải quyết được những vấn đề cốt lõi, nhưng mâu thuẫn trong xã hội lúc đó. Bên cạnh đó, có thể còn vì dụng tâm chính trị và mục đích thâu tóm quyền hành của ông.

Chính sách phát hành tiền giấy mà nhiều bạn đánh giá cao vì ở VN chưa thời nào thử. Đồng ý là chính sách này vượt tầm nhìn nhưng tuyệt không phù hợp tình thế đất nước bấy giờ khi mà đang lâm vào tình trạng khủng hoảng cả trong lẫn ngoài. Hơn nữa, tiền giấy nếu không có bảo chứng của vàng và bạc thì chỉ là 1 đống giấy lộn không hơn không kém. Hậu quả của nó là đất nước càng ngày càng khó khăn hơn.

Chiến lược dời đô: đang trong lúc đất nước mất ổn đinh cả trong lẫn ngoài mà lại quyết định dời đô, theo cá nhân mình là 1 quyết đinh ngu xuẩn: nhân dân lầm than, quý tộc quan lại thì bất mãn, quân đội mất niềm tin. Đây là điều gây mất ổn định theo chiều dọc, từ trên xuống dưới, từ quan tới dân.

Chính sách cai trị hà khắc: từ những vấn đề trên, thay vì vỗ về dân chúng và tầng lớp quý tộc, ông lại chọn con đường cực đoan hơn là mạnh tay trừng trị những ai trái ý dẫn đến căn cơ đã không chính thống nay càng lung lay.

+ THỨ 2: ĐỐI NGOẠI

Với Trung Quốc: Hồ Quý Ly hiểu hay không hiểu rằng nhà Minh thời Minh Thành Tổ Chu Lệ đang là giai đoạn thịnh trị, quốc lực mạnh nhất. Hơn nữa, chính Chu Lệ cũng đang cần 1 cuộc chiến tranh để chuyển hướng dư luận trong các tầng lớp nhân dân Trung Hoa vốn trước đó đang hoang mang và bất mãn với việc ông cướp ngôi hoàng đế. Vì vậy, thay vì học chữ “nhẫn” để cúi đầu xưng thần, tránh họa binh đao thì Hồ Quý Ly lại đi ngược lại quyết sách đó của tiền nhân. Chỉ cần ông khiêm nhường, lùi 1 bước tiến 3 bước, cúi đầu nhẫn nhịn thì có lẽ không đến kết cục như sau này.

Với Chiêm Thành: dùng vũ lực để gây chiến trong tình trạng đất nước không ổn định cả kinh tế chính trị làm tiêu hao nguyên khí. Cho dù thắng và đạt được mục đích giành thêm đất đai nhưng lại đẩy đất nước vào thế lưỡng đầu thọ địch. Điều này chứng tỏ tầm nhìn vĩ mô của ông không giỏi như người ta ca tụng.

Đó là bàn về đối nội đối ngoại. Bây giờ mình xin nhận định tổng quát về khả năng của ông:

+ Ông không có tài kinh bang tế thế. Bằng chứng là suốt bao năm làm thái sư cũng như làm vua 1 nước thì đất nước chỉ đi xuống, đời sống nhân dân lầm than hơn.

+ Tầm nhìn chiến lược của 1 vị quân chủ ông cũng rất kém khi đẩy đất nước vào tình thế lưỡng đầu thọ địch. Nếu ông nhún nhường hơn với nhà Minh và mềm dẻo hơn với Chiêm Thành thì tình thế sẽ ít khó khăn hơn.

(Ngày xưa Lý Thế Dân lúc mới gây ra sự kiện Huyền Vũ Môn, trong lúc chưa nhất thống nhân tâm, cũng phải chịu nhún nhường với người Đột Quyết. Mãi đến tận khi thống nhất đất nước nhiều năm quốc lực hùng mạnh mới diệt Đột Quyết).

+ Mất lòng cả quân lẫn dân. Thông thường khi chiến tranh chống dị tộc thì tất cả mâu thuẫn sẽ tạm lắng xuống để chung tay. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông lại bị người dân và quân đội quay lưng, thà tin dị tộc còn hơn vua nước mình.

+ Khả năng quân sự: kém toàn diện từ chiến lược tới chiến thuật. Thất bại trong nhiều lần chiến tranh với Chiêm Thành lúc còn là thần tử chứng tỏ khả năng quân sự có hạn. Về chiến lược, khi đối đầu với Chiêm lúc đã lên ngôi khiến tiêu hao sức người sức của mà giành được chỉ là những vùng đất thưa người ít màu mỡ.

+ Một sai lầm chiến lược nữa khi dời đô để đối phó nhà Minh mà không suy xét đến căn cơ của nước ta là đồng bằng sông Hồng màu mỡ đông dân cư. Hơn nữa từ bao đời nay, chiến lược để ta chống lại phong kiến phương Bắc chưa bao giờ là chiến tranh chính quy, mà là du kích. Đằng này, Hồ Quy Ly lại dùng cương đối cương, xây dựng phòng tuyến để chơi trò công / thủ trực diện. Cho dù quân dân có đồng lòng thì với sức mạnh quân sự áp đảo, nhà Minh cũng sẽ dễ dàng đoạt thành chiếm luỹ.

+ Bàn về khí tiết: 1 vị vua mất nước vào tay dị tộc mà lại có thể cúi đầu sống tới lúc chết già, con trai của ông còn làm quan to ở đất nước đã diệt quốc mình là điều không thể chấp nhận được. Sực nhớ lời Trần Bình Trọng khi xưa:

“Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc”

… lại thấy bùi ngùi. Quan còn có thể hàng, dân còn có thể nhẫn nhưng là Vương / là Đế thì tuyệt không thể chấp nhận làm tù binh. Còn nếu vốn dĩ đã có thể chấp nhận, vậy tại sao không quy hàng ngay từ đầu để tránh cho dân chúng rơi vào chiến tranh loạn lạc?

KẾT LUẬN

Với nhãn quan chiến lược có hạn cũng như tính cách khả năng thật sự của ông thì cho dù ở thời nào ông cũng tuyệt không làm được 1 vị quân chủ. Có chăng chỉ là 1 vị quân sư quạt mo hay ở đoàn cố vấn mà thôi.

Trên đây là ý kiến cá nhân của mình. Nhưng xin lưu ý, mình không phủ nhận những cải cách của ông.

Bạn đọc: Tran Tuan
Nguồn: The X-File of History

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *