An Tư Công Chúa

Trong những ngày chống chếnh cuối cùng của một năm 2017 đầy biến động, tình cờ mình được xem 1 buổi triển lãm rất thú vị. nó như một vòng tay níu kéo giữa quá khứ & hiện tại, để nhắc nhở những ai đang xem, đang thưởng thức nó về 1 hình thái văn hóa đang ngày bị mai một của dân tộc. đó là “Vẽ về Hát Bội” ‒ một triển lãm của các bạn họa sĩ trẻ Saigon (người “già” nhất cũng chỉ là thế hệ 8X) mà tên gọi, cũng là mong ước duy nhất của họ để nhắc nhở mọi người nhớ rằng, ông cha ta đã từng có 1 loại hình nghệ thuật dân tộc như thế [1].

Từng bức họa lướt qua, những điển tích cổ như sống lại. sinh động vô cùng! Đây là “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, kia là “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”, hay phía xa lại là mặt nạ Quan Thánh. rồi mình chợt dừng lại trước 1 bức họa đặc biệt khi nó gieo vào lòng mình những cảm xúc khó tả. đề rồi sau đó, xuyên suốt buổi triễn lãm và cho đến tận bây giờ… nếu nhắc về Hát Bội, mình vẫn chỉ nhớ về bức họa đó, bởi nó (gần như) là điển tích duy nhất của lịch sử dân tộc, rất Việt và thuần Việt, trong nghệ thuật “Hát Bội” [2]. Người con gái trong tranh là Nàng…

…là AN TƯ CÔNG CHÚA.

Sách xưa chép rằng, đầu năm 1285, giặc Nguyên đánh tới Gia Lâm, vây hãm Thăng Long. Chiến sự buổi đầu bất lợi, 3 cánh quân chặn đánh của ta đều phải rút lui để bảo toàn lực lượng [3]. Trước thế mạnh như chẻ tre của giặc, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng, kể cả hoàng thân Trần Ích Tắc đều đã quy hàng. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung được sai đi sứ xin giảng hòa để làm chậm tốc độ tiến quân của giặc, nhưng không có kết quả. Ngay khi Khắc Chung vừa rời khỏi quân doanh thì thuyền giặc cũng đuổi theo sát nút. Tình hình nguy cấp, Thượng Hoàng và Nhân Tông xuống thuyền nhỏ xuôi về Tam Trĩ (tỉnh Quảng Ninh ngày nay), còn thuyền ngự hướng về vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng. Danh tướng Trần Bình Trọng cũng hy sinh bên bờ Thiên Mạc trong trận này.

Trước thế hiểm nghèo, cần thời gian để củng cố lực lượng, Thượng hoàng Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến mỹ nhân kế, sai người dâng em gái út của mình là An Tư Công Chúa cho Thoát Hoan để tạm hòa hoãn.

Vì mệnh nước, An Tư đành gạt nước mắt phá bỏ hẹn ước với Chiêu Thành Vương Trần Thông [4], mối tình mà Nàng khắc cốt ghi tâm. Đó là một mối tình “tự do thoát hẳn ra ngoài luân lý đạo Khổng” giữa hai người chị em họ ‒ những con người “đã yêu nhau với tất cả bồng bột của tuổi thanh xuân, với tất cả sức mạnh của dục vọng được hoàn toàn buông lỏng”.

“Họ cùng nhau hội yến, tay đan tay nhảy múa. rồi ngồi đánh bài trong cung, nghe hát, hoặc cùng vương hầu công chúa phóng ngựa dạo chơi hoàng thành. có lúc lại đua thuyền hóng mát trên Hồ Tây, đôi mắt lửa chỉ tìm đôi mắt nhung, bóng ngang tàng chỉ hòa theo bóng liễu.”

Ngày nàng ra đi, Chiêu Thành Thành Vương ôm Nàng vào lòng:

“Hai tháng nữa đuổi Thoát Hoan đi, ta sẽ tìm Nàng. Mọi việc như xưa. Cái công cứu mười vạn sinh linh muôn đời còn ghi tiếng thì vài tháng thất thân cùng giặc có kể chi? Ta cũng không quản ngại…”.

An Tư cũng khóc mà rằng: “Thiếp xin chờ ngày Vương khôi phục kinh thành. Nhưng vạn nhất Chàng có mệnh hệ nào thì thiếp xin nguyện theo Vương cho trọn nghĩa.”

Rồi Nàng lên đường sang trại giặc, cũng chính là kinh thành Thăng Long của Nàng. Có gì đau xót hơn khi phải sống cùng giặc, trong chính ngôi nhà của mình? Ngày ngày đối mặt với kẻ thù trong khung cảnh lưu luyến người xưa?

Rồi quân ta bắt đầu phản công, những trận chiến khốc liệt. Giặc Nguyên đại bại phải tháo chạy. thậm chí Trấn Nam vương Thoát Hoan còn phải chui ống đồng lẩn trốn. Trong đám loạn quân, Nàng và Chiêu Thành Vương mải miết tìm nhau, để rồi lúc Nàng thấy được người thương thì Vương đang hấp hối.

Ngày chiến thắng, đại quân reo ca ngợp trời. Hoàng tộc Trần làm lễ tế trời đất, khen thưởng công thần, nhưng tuyệt nhiên không một lời nhắc đến cái tên An Tư. Không ai nhớ đến Nàng, không ai quan tâm Nàng và cũng chẳng ai để ý. Nàng lẻ loi, cô độc một mình một ngựa lẻn khỏi kinh thành tìm đến mộ Chiêu Thành Vương. Nhưng Nàng không khóc, mà phủ phục trên mộ Vương. Dưới ánh trăng bàng bạc, An Tư như mê man nhớ lại những ngày tháng xưa, những ngày ruổi ngựa cùng Chàng vào Thanh, ra Nghệ. Rồi Nàng thì thầm với đất, với trời:

“Tiệc vui riêng Vương không được hưởng, ngày vui chung Vương cũng không đành. Thiếp nguyện giữ trọn lời thề khi xưa cùng xuống suối vàng với Chàng tái hợp. xin Vương hãy đợi thiếp…”

Nói rồi An Tư gieo mình xuống sông Cái.

Tuy mối tình dang dở của An Tư và Chiêu Thành Vương không ai biết rõ và cũng chưa rõ thực hư, nhưng có 1 sự thật không thể chối cãi, chính là sau khi đưa An Tư sang trại giặc, thì nhịp độ tấn công của Toa Đô bỗng nhiên như ngừng hẳn, tạo tiền đề quan trọng cho các chiến dịch phản công của nhà Trần vài tháng sau đó. Có người cho rằng Nàng cung cấp những thông tin tình báo quan trọng [5], có người cho rằng Nàng làm mê đắm Thóat Hoan [6].

Nhưng rốt cuộc, An Tư đã làm gì? Nàng có vai trò gì trong chiến thắng oanh liệt này của dân tộc? Nếu không có An Tư, liệu rằng lịch sử nhà Trần có thay đổi? Hàng trăm, hàng ngàn câu hỏi mà lớp hậu sinh chúng ta đã & đang đặt ra, sẽ mãi mãi không có câu trả lời.

Chỉ biết rằng, sau đó vai trò của Nàng gần như bị xóa trắng trong dòng chảy lịch sử, mà để lại, gần như chỉ có vài dòng:

• Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 2 năm Thiệu Bảo thứ bảy – năm 1285) vua sai người đưa Công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan là muốn làm thư giãn loạn nước vậy”.

• Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ cũng chỉ vắn tắt: “Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông. Quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được. Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Công chúa An Tư cho chúng, để thư nạn cho nước”.

Và từ đó về sau, không một tài liệu lịch sử nào còn nhắc tới số phận Nàng nữa và gần như Công chúa An Tư bị rơi vào quên lãng. Nàng còn hay mất sau trận chiến? Nếu mất, mất ở đâu? Tất cả đều biệt vô âm tín. Điều này quả thực là 1 dấu hỏi lớn khiến lớp hậu nhân phải thở dài thương cảm.

Câu chuyện về An Tư cho mình một cảm xúc mãnh liệt. Và bức tranh (có lẽ) đã họa lại hình ảnh Nàng vào đêm trước khi lên đường sang trại giặc. Khoác trên người tấm áo cô dâu trước ngày cưới, đầu đội mão hoa mai… nhưng đôi mắt thì buồn vô hạn. Sau buổi triển lãm, khi về nhà, tình cờ đọc được những lời tự sự của họa sĩ khi họa An Tư, mình như càng thấm và thấu hiểu hơn về Nàng:

— Trong quá trình tìm kiếm các giai thoại, tuồng tích thuần Việt của Hát Bội gắn liền với lịch sử thì duy nhất chỉ có mỗi điển tích về An Tư Công Chúa. Mình đã quyết định gác lại tích “Bàn Cổ” trong múa Điềm Hương mà quay sang vẽ An Tư.

Do tư liệu gần như không có gì, hình ảnh của An Tư Công Chúa cũng không tồn tại, nên mình đã quyết định phóng tác. Mình chọn hình ảnh An Tư trước khi xuất giá (cũng như hình ảnh người nghệ sỹ hoá trang trước khi bước ra khỏi bức rèm nhung). Đầu đội mão hoa mai đính 9 đoá bát tiên tượng trưng cho sự cao quý. Tai đeo hai đoá phù dung để ám chỉ cho thân phận An Tư sớm nở tối tàn, 3 vệt châu sa và 7 con hồ điệp để ẩn dụ cho tương lai của phụ nữ phong kiến. Cuối cùng là sợi chỉ vàng lúc lên sơn dầu mình đã quyết định vẽ đứt, thay vì sự ràng buộc như bản phác thảo.” — Lai N Nguyen.

Cảm ơn anh, một tác phẩm đẹp và chạm đến tận cùng nỗi cô đơn của Nàng — An Tư!

© Tranh: Lai N Nguyen
© anonymous / 2O18

Chú thích:

[1] ‒ Tuy không biết nhiều về “Hát Bội” trước khi đến với triển lãm, nhưng quả thực, chưa bao giờ mình dám nghĩ rằng hình thái nghệ thuật này lại tồn tại lâu đến thế trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Sách “Hát bội – Thế giới Tự do” (Tập X, Số 8) đã chép lại:

“Tương truyền, từ thời Tiền Lê (năm 1005), một kép hát người Hoa tên là Liêu Thủ Tâm đã khăn gói đến Hoa Lư bái kiến Ngọa Triều Đế (tức Lê Long Đĩnh) và hát cho ông nghe 1 trích đoạn tuồng của thể loại hát xướng vốn đang thịnh hành của nhà Tống. Ngọa Triều Đế nghe qua rất lấy làm ưng và thâu dụng, phong là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung. Đến thời nhà Trần, Hưng Đạo Vương sau 1 trận chiến, bắt được 1 tên quân nhà Nguyên tên Lý Nguyên Cát vốn là kép hát. Vương tha tội chết và sai dạy lối hát đó cho binh sĩ. Vở diễn đầu tiên mà Cát trình lên là vở “Vương mẫu hiến đào” cho vua cùng bá quan văn võ ngự lãm. Xem xong, ai cũng tấm tắc cho là hay”

[2] ‒ Trong nghệ thuật “Hát Bội”, cho đến nay thì vở “An Tư công chúa” là vở diễn duy nhất mang điển tích Việt. Còn lại, tất cả đều là điển tích Trung Quốc.

[3] ‒ Khi ấy, để chăn địch, đích thân Hưng Đạo Vương tự mình đảm nhiệm mặt trận xung yếu chặn đánh Thoát Hoan. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật được giao nhiệm vụ chặn đánh đạo quân Nguyên từ Vân Nam tiến sang theo lưu vực sông Chảy. Mặt trận phía Nam giao cho Thượng tướng Trần Quang Khải có nhiệm vụ chặn đánh cánh quân của Toa Đô.

[4] ‒ Mối tình của An Tư công chúa và Chiêu Thành Vương Trần Thông thực tế sử không chép lại, mà là một phóng tác của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong tác phẩm “An Tư” năm 1943.

[5] ‒ Hiện nay, vẫn còn rất nhiều báo chí trong nước (soha, vnexpress, danviet…) cho rằng An Tư đóng vai trò tình báo trong chiến chiến dịch chống Nguyên Mông năm 1285, nhưng kỳ thực, vẫn chưa báo nào đưa ra được những dẫn chứng thuyết phục. Tuy nhiên, suy diễn này cũng không phải vô căn cứ khi nhà Trần nổi tiếng với việc dùng nữ sắc để đưa vào ván cờ chính trị (những trường hợp trước đó như công chúa Ngoạn Thiềm, công chúa Huyền Trân, công chúa Nguyệt Sơn…). Trong Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thì Sĩ đã chê trách nhà Trần về việc này:

“Nhà Trần quen làm lối này, cốt được lợi trông thấy, đem má phấn đánh đổi lấy tràng thành, gả Ngoạm Thiềm cho Nguyễn Nộn, An Tư cho Thoát Hoan đều lối ấy cả”

[6] ‒ Sách “Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam” có đoạn: “An Tư là con gái út của vua Trần Thánh Tông, không rõ sinh và mất năm nào. Công chúa dung mạo hơn người, vô cùng xinh đẹp lại tài sắc vẹn toàn cầm, kỳ, thi, họa. Người ta cho rằng, có kẻ phản loạn sang đầu hàng Thoát Hoan đã dâng lên cho y một bức tranh vẽ công chúa khiến hắn ngày đêm mơ tưởng, và ra điều kiện sẽ tạm dừng binh nếu vua tôi nhà Trần dâng An Tư cho y”.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *