Bí ẩn áo bào của các vua nhà Nguyễn
Người xưa và người đời gọi áo vua mặc bằng nhiều tên khác nhau như áo bào, hoàng bào, long bào… Được biết trong kho đồ vải ở bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế (BTMTCĐH) mà tiền thân là điện Long An (xây dựng năm 1845 thời vua Thiệu Trị) có khoảng 100 bộ trang phục của không chỉ các bậc mẫu nghi thiên hạ, thái tử, hoàng tử, công chúa, quan lại cùng lính tráng… mà có cả áo bào của các vua.
Ít ai biết phía sau những chiếc áo từng được thiên tử ngự này có nhiều chuyện thâm cung bí sử gắn với nạn tham tang của những thợ thêu, tính cách các vua, những trận đòn và không ít cái chết thảm khốc…
Bào vua dát vàng, ngọc
Theo tài liệu được ghi trong BĐMTCĐH, y phục nhà vua mặc trong lễ thiết đại triều và các dịp Tết gọi là long bào, thêu hình rồng bay lên (rồng thăng), hai con rồng chầu mặt trời (lưỡng long chầu nhật), điểm xuyết các tầng mây, sóng nước (thủy ba). Trong lễ thiết thường triều, vua Nguyễn mặc hoàng bào, thêu rồng cuộn tròn (viên long) bằng chuỗi ngọc, xen kẽ bát bửu, hoa lá, thủy ba, chữ thọ.
Ngoài long bào, y phục đại lễ của vua Nguyễn còn có long cổn (y phục tế đàn Nam Giao) màu đen, tay rộng, trang trí kiểu thức rồng thăng, rồng lượn. Ngoài ra còn có hồng bào (y phục cày ruộng tịch điền) màu gạch non, trang trí rồng nhỏ, ẩn trong mây (long vân). “Với quan niệm hoàng đế là bậc anh minh, thay trời trị dân, do đó trang trí hình rồng chỉ được thể hiện trên trang phục vua và thái tử. Tuy nhiên nếu trên long bào, hình rồng chân 5 móng được thể hiện dưới các kiểu thức phi long (rồng bay) hay hồi long hướng nhật (rồng quay đầu về phía mặt trời) có kích thước cân đối, mặt rộng uy nghi thì hình rồng trên long bào thái tử chỉ là mặt nạ, chân có 4 móng, thân thu nhỏ. Còn hình rồng trang trí trên y phục hoàng tử chỉ là các loài giao, mãng, những biến thể thứ cấp của rồng, vì thế y phục hoàng tử được gọi là mãng bào hay mãng lan”, nói về áo bào của người có chân mệnh thiên tử cùng các hoàng nam của mình là thái tử (người kế vị ngai vàng) và hoàng tử, thông tin từ BTMTCĐH, cho biết như thế.
Riêng chuyện về áo vua mặc mà người viết tiếp cận được từ tài liệu cổ Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ do nội các triều Nguyễn biên soạn thì bào vua được ghi chú với nhiều điểm khác biệt và chi tiết hơn. Theo đó, phục trang vua mặc dùng thiết triều bằng lụa quý được thêu rồng tinh xảo, đính chỉ bằng vàng và nhiều châu ngọc quý báu. Ngoài hình tượng con rồng, áo vua còn có sự hiện diện của chiếc sừng loài tê giác nay đã tuyệt chủng: “Hoàng bào may bằng sa đoạn sắc vàng chính, thêu rồng lớn rồng nhỏ, mây, thủy ba và 4 chữ phúc thọ. Mặt trước và sau mỗi mặt có 2 chữ “vạn thọ”, 3 hình rồng. Mỗi tay áo có 1 hình rồng, 2 cánh và san hô, hỏa lựu, xâu chuỗi bằng hạt ngọc châu nhỏ. Cổ áo bằng đoạn đậu 8 sợi tơ bóng màu tuyết trắng, 2 dải rủ xuống đều thêu rồng mây. Xiêm dùng sa mỏng trắng bóng toàn sợi tơ có hoa màu đỏ, dệt kiểu rồng cuộn tròn, thủy ba, cổ đồ, bát bảo… dưới nối bằng đoạn gấm hoa hồi văn dây leo, lan can đỏ, trong lót lụa đỏ, gấm hạng nhất toàn hoa kim liên, màu lục hay lam, áo nối bằng lụa mộc. Đai bằng vàng, đoạn đậu 8 sợi tơ trắng bóng nhuộm màu vàng chính, khâu chen kẽ tơ lông đổ, đính sừng con tê, dài, vuông, như hình cái mộc cộng 18 mảnh, ngoài bọc vàng tốt, khảm 92 hạt trân châu”.
Những cấm lệnh lạ kỳ…
Chiêm ngưỡng kỹ những chiếc áo vua còn được lưu giữ ở xứ kinh kỳ một thuở sẽ thấy, mặt trước và sau từng chiếc áo bào đều có biểu tượng rồng 5 móng ẩn hiện giữa những tầng mây trên nền lụa vàng quyền quý. Ít ai biết được rồng 5 móng cùng sắc vàng trên áo bào kia chỉ có một người trên muôn vạn người được “ngự”. Mọi hành vi lạm dụng, kể cả vô tình, bất kể quan hay dân đều bị xử lý nghiêm, nhẹ thì bị nọc ra đánh (phạt trượng) hay tội xuy (vừa đánh đòn vừa răn dạy, sỉ nhục), tịch thu tang vật làm của công. Trường hợp nghiêm trọng kẻ vi phạm sau khi ăn đòn sẽ bị lưu đày, quan lại bị cách chức.
Những hình phạt nghiêm khắc như trên được qui định rõ trong Bộ hình triều Nguyễn. Theo đó, những thứ như nhà ở, xe cáng, áo mặc, đồ dùng của quan và dân đều có thứ bậc, nếu trái mẫu thức, lạm dụng, người có chức sẽ bị phạt 100 trượng, cách chức không lưu dụng (không cho làm quan). Với thường dân phạt xuy 50 roi nhưng chỉ bắt tội gia trưởng (chủ nhà), thợ làm đều phải phạt xuy 50 roi.
Luật triều đình qui định những thứ làm trái mẫu thức bắt buộc phải chữa lại. Các thợ làm tự thú được tha tội, nhưng không được thưởng: “Nếu người nào lạm dụng những thứ trái cấm lệ như thêu vẽ con rồng con phượng, con giao long thì quan hay dân đều phạt 100 trượng, đày 3 năm, thợ làm phải phạt 100 trượng. Những thứ làm trái lệ cấm đều sung làm của công, kẻ thú cáo (thú tội và cáo giác – PV) được thưởng 50 lạng bạc. Nếu thợ làm mà thú cáo ra thì được tha tội, lại được thưởng nữa”.
Cũng theo qui định của triều Nguyễn, triều đình cấm cả đàn bà, con gái lạm dụng thứ áo mặc thêu dát vàng sắc lóng lánh, thứ cài đầu, vòng xuyến bằng vàng dát châu báu (vàng không dát châu báu thì không cấm – PV) cùng dùng trân châu thêu đính vào áo dày, bởi đó là qui thức dành cho bậc mẫu nghi thiên hạ là hoàng hậu hay mẹ của vua. Nếu ai đó vi phạm, việc phát giác ra cả thảy người phạm tội và người liên đới đều bị chiểu theo luật để trị tội, các thứ áo mặc, đồ dùng bị thu làm công. Luật hình thời bấy giờ nói rõ nếu đàn bà, con gái phạm tội thì bắt tội.
“Ăn” bớt bào vua: nhẹ phải đòn, nặng… xử tử
Chuyện rằng từ lời tâu của Bộ Hộ và nội các, Phủ Nội vụ trong quá trình đốc suất thợ may triều đình thêu mới 4 chiếc áo vua phát hiện một số ngờ vực, hoàng đế Minh Mạng đã giao cho hội đồng tính kỹ và phát hiện “trong 4 chiếc áo ấy chiếc nào cũng lấy thừa từ 1 tấc trở lên, rõ ràng là tên thợ may cố ý lấy bớt đi”.
Việc thợ may chốn cấm cung xén bớt áo bào khiến hoàng đế Minh Mạng phẫn nộ nên đã thiết triều luận xử tội những thợ may tham lam và các quan lại đốc suất không làm tròn nhiệm vụ: “Niên cục chính Tư trượng là Lê Văn Sự chiểu luật “bất kính” xử tội giảo giam hậu (giam chờ ngày treo cổ – PV), trước đem đánh 40 côn sơn đỏ. Đốc công Lê Văn Thu có trách nhiệm đốc sức thợ, mà dung túng cho thợ cố ý làm hơn kém, chuẩn sai đội Cẩm y đến bắt tên Lê Văn Thu xiềng khóa lại đem giam cấm, đợi sau xuống chỉ theo thế mà xử trị. Hội đồng coi làm là Ngô Văn Địch, Lê Viết Trị, Nguyễn Khoa Dục, Ngô Ngọc Cương lần này hãy tạm theo mực nhẹ đều phạt lương 3 tháng để làm răn”.
Năm 1841, vua Minh Mạng băng hà, kế nghiệp ông là hoàng đế Thiệu Trị. Ngay năm đầu tiên trị vì, vị hoàng đế thứ 3 triều Nguyễn đã như vua cha thiết triều xử hàng loạt quan chức vì không trọn chức sự trong việc làm bào vua. Lời dụ rằng: “Lần này thêu bào rồng, xiêm vàng là việc quan trọng, các ngươi thừa hành phải nên mười phần cẩn thận, phải thực khéo mới xứng đáng với chức sự của mình. Thế mà các đốc công không để ý đốc suất thợ làm, đến nỗi áo xiêm ngắn sai kiểu mẫu, chỗ thêu nối thêm màu đậm, nhạt nhìn kỹ chỗ nọ chỗ kia không được hợp nhau, trong đó đường thêu lại có nhiều chỗ nhăn nhúm, dày thưa, nhiều chỗ không đúng mẫu thức, thực là sơ suất quá lắm. Các viên đốc công chuyên ty là viên ngoại lang Hồ Đình Hy, chủ sự là Hà Văn Hanh đều giáng 1 cấp, được lưu dụng. Còn bọn thợ thêu là Nguyễn Chương, Phạm Đình Luân, Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Đắc Thông, Nguyễn Tất Tố chính tay thêu mà nhầm, chuẩn đem đánh 100 trượng thực đau, phó trị sự là Lê Văn Tuyển, tượng mục là Lê Văn Sự chuẩn phạt mỗi tên 80 trượng để làm răn”.
Từ chuyện hai hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị thiết triều, ban dụ quở trách, ra lệnh xử phạt đánh đòn, xử tử những can phạm ăn chặn, may xấu bào vua cho thấy sự nghiêm khắc của luật pháp thời bấy giờ, đồng thời cũng cho hậu thế biết thêm một phần tính cách của 2 vị hoàng đế này: Minh Mạng ghét xự xảo trá, gian tham; còn con trai ông, hoàng đế Thiệu Trị trong một chừng mực nào đó cho thấy ông khá kỹ tính… Đây hẳn là những thông tin thú vị để ta biết rõ hơn về áo bào của vua, nó không chỉ xa hoa mà còn ẩn sau đó tính khí của các vị hoàng đế và cả những bi kịch tàn khốc.
Theo Net Cố Đô