Đi tìm pangram tiếng Việt

Phần 2: Đi tìm pangram tiếng Việt

1. Trong một Ghi chú trước, tôi có đề cập đến pangram tiếng Việt. Phương án tôi dùng là đoạn đầu Truyện Kiều, 3 câu lục bát, 42 chữ.

Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Lạ gì bỉ sắc tư phong, trời xanh quen với má hồng đánh ghen. (42 chữ)

Đoạn này đủ các kí tự và các dấu câu. Như sau:

A (ta), Ă (trăm), Â (thấy), B (bể), C (cõi), D (dâu), Đ (điều), E (khéo), Ê (mệnh), G (ghét) H(hồng), I (bỉ), K (khéo), L (là), M (mà), N (nhau), O (lòng), Ô (một), Ơ (đớn), P (phong), Q (qua), R (trải), S (sắc), T (tài), U (đau), Ư (chữ), V (với), X (xanh), Y (thấy).

Dấu huyền (người), hỏi (trải), ngã (chữ) , sắc (với), nặng (mệnh).

2. Bài toán đặt ra là: Có thể tạo ra một pangram tiếng Việt ngắn hơn được không, và phải làm thế nào?

Ở ghi chú này tôi sẽ nói về phương pháp và một kết quả thử nghiệm.

(1) chia các chữ cái tiếng Việt thành ba nhóm. Nhóm chữ cái nguyên âm, nhóm chữ cái phụ âm chỉ xuất hiện ở đầu, và nhóm chữ cái phụ âm xuất hiện cả ở đầu và cuối. Kết quả:

Nhóm 1 (chữ cái nguyên âm): A, Ă, Â, E, Ê, I, Y, O, Ô, Ơ, U, Ư

Nhóm 2 (chữ cái phụ âm chỉ xuất hiện ở đầu từ): B, D, Đ, K (gồm trong KH), L, Q, R (gồm TR), S, V, X.

Nhóm 3 (chữ cái phụ âm xuất hiện được ở cả đầu và cuối từ): C (gồm CH), G (gồm GH, NG, NGH), H (gồm CH, PH, TH, NH, GH, NGH), M, N (gồm NH, NG, NGH), P (gồm PH), T (gồm TR, TH).

Đừng quên ngoài chữ cái còn các dấu phụ thanh điệu. Năm dấu: Huyền, Hỏi, Ngã, Sắc, Nặng.

(2) Phác thảo một câu sao cho xuất hiện tất cả các phụ âm ở nhóm 2. (1 câu tối thiểu sẽ gồm 10 chữ ứng với 10 phụ âm đầu nhóm 2.)

(3) Thêm và thay đổi các từ để thể hiện được trọn vẹn bảng chữ cái. Tận dụng các tổ hợp chữ cái nguyên âm như IÊ, UYÊ, IA, UÔ, UA, ƯƠ, ƯA vân vân.

Kết quả sau một hồi vật lộn như sau:

SAO ĐIỆP NỠ VỘI QUÊN LỜI HẸN TRĂM NĂM, LAN KIẾP NÀY XIN DÂNG VỀ CỬA BỤT. (17 chữ)

Nếu tò mò, bạn đọc có thể lấy bút ra và kiểm tra xem câu trên đã đúng là một pangram tiếng Việt hay chưa.

Gia giảm một chút cho thuận miệng dễ đọc:

SAO ĐIỆP NỠ VỘI QUÊN
LỜI HẸN TRĂM NĂM ấy
LAN KIẾP NÀY XIN DÂNG
VỀ CỬA BỤT mãi mãi.
(20 chữ)

3. Một chút nuối tiếc.

Câu này sến. Do thế nó khí không phù hợp cho trẻ con tập viết. Nếu dạy trẻ con tập viết, tôi sẽ quay về với 42 chữ Truyện Kiều, dẫu rằng triết lý cuộc đời trong đó có phần cay đắng, nó vẫn đỡ “nhảm” hơn chuyện tình Lan và Điệp.

Kính thỉnh các cao nhân chế tác pangram tiếng Việt, và phải phù hợp với trẻ con nữa nhé.

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/nguyen-dai-co-viet/%C4%91i-t%C3%ACm-pangram-ti%E1%BA%BFng-vi%E1%BB%87t/10162842768350085/

You may also like...

2 Responses

  1. 2019-11-23

    […] 1: The quick brown fox…Phần 2: Đi tìm pangram tiếng ViệtPhần 3: Đi tìm perfect pangrams tiếng Việt——1. Tiếng Anh có một câu […]

  2. 2019-11-23

    […] 1: The quick brown fox…Phần 2: Đi tìm pangram tiếng ViệtPhần 3: Đi tìm perfect pangrams tiếng […]

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *