Lạm phát tiệc: một cách làm khó nhau
“Hôm nay vào FB cô em bà con và thấy hình vợ chồng cô tổ chức tiệc thôi nôi cho con. Cũng trang hoàng màn và tên khá bắt mắt và bố mẹ cũng bế con trên sân khấu. Tiệc trông khá linh đình với nhiều món ăn và trên 100 khách, tuy nhiên chắc một nửa là bà con.
Sau khi hỏi lại thì biết thu nhập gia đình cô không cao. Bữa tiệc đó ngốn ít nhất 2 tháng lương của chồng! Hỏi tiếp thì được người thân cho biết, giờ nhà nhà tổ chức đủ loại tiệc: cưới, hỏi, đầy tháng, thôi nôi, lên chức, về hưu, tốt nghiệp đại học, … Phần lớn đều ngán được mời vì mỗi lần đi là cầm ít nhất phong bì 300k theo. Lương 4 triệu mà đi 5 đám thì còn gì tiền nhà, tiền chợ, xăng, ăn sáng, tiền trường, bác sĩ, …?
Ai cũng ngán nhưng hầu như ai cũng cố gắng tổ chức. Mốt chăng? Thậm chí đi đám giỗ giờ cũng mang phong bì theo vì tặng trái cây chẳng ai muốn lấy. Trừ những người có thu nhập cao trên 8, 10 triệu, phần còn lại khá khốn đốn với những buổi tiệc bóp bụng mà đi như thế. Làm khổ nhau thôi!
Làm sao để ra khỏi cái vòng lẩn quẩn này? Khó, khi chung quanh ai cũng làm mà mình thì không. Một cô cháu của tôi cũng rất bực vì đi làm suốt ngày, ít có thì giờ cho con mà cứ nay tiệc, mai tiệc. Không đi thì sợ người ta bảo là xem thường người ta. Riêng cô thì nhất định không (hoặc chưa) chạy theo mốt này, chỉ làm tiệc nhỏ trong nhà cho vui.
Nhiều khi phải mạnh dạn nghĩ khác và bứt đứt một mắc xích khi thấy sự việc vô lý cứ mãi nối tiếp mà trong đó ai cũng trở thành nạn nhân. Người Âu, Mỹ không sống kiểu như thế. Tôi đã từng thấy một tiệc cưới chỉ duy nhất 1 bàn 6 người mà thôi – có lẽ rất quái lạ trong con mắt người Việt. Tôi không ủng hộ tiệc cưới chỉ bấy nhiêu người nhưng cũng sẽ không thích tổ chức đám cưới với 300, 400 người cho con mình.”