Phương ngữ tiếng Việt
Ngôn ngữ hình thành từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống của từng địa phương khác nhau về kinh tế, văn hóa sẽ khác nhau. Ở Việt Nam chủ yếu có ba vùng phương ngữ chính: phương ngữ bắc (Bắc Bộ), phương ngữ trung (Bắc Trung Bộ), phương ngữ nam (Nam Trung Bộ và Nam Bộ). Các phương ngữ này khác nhau chủ yếu ở ngữ âm, rồi đến từ vựng, cuối cùng là một chút khác biệt ngữ pháp.
Sự khác biệt về ngữ âm là nhiều nhất, nhưng có thể đoán được. Sự khác biệt về từ vựng có thể dẫn đến sự hiểu lầm nhiều nhất.
Các phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hiện nay thể hiện sự khác biệt ngữ âm khá rõ theo địa giới gần tương đương phân chia hành chính thời Lê sơ:
Thăng Long tứ trấn (Thăng Long và 4 trấn xung quanh là Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Đông, Sơn Nam) tạo nên giọng Bắc Bộ hiện nay, với các khác biệt nhỏ từng trấn:
- Thăng Long: Giọng Hà Nội.
- Trấn Kinh Bắc: Giọng Bắc Ninh, Bắc Giang.
- Trấn Hải Đông (xứ Đông): Giọng Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh.
- Trấn Sơn Tây (xứ Đoài): Giọng Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang.
- Trấn Sơn Nam: Giọng Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, đặc điểm dễ nhận thấy là phát âm phụ âm rung r (không lẫn với d) và phụ âm tr (không lẫn với ch).
- Trấn Thanh Hóa tạo nên phương ngữ Thanh Hóa.
- Trấn Nghệ An tạo nên phương ngữ Nghệ An, Hà Tĩnh.
- Trấn Thuận Hóa tạo nên phương ngữ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Các phương ngữ Nam Bộ hiện nay hình thành rõ nét kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng vượt qua Hoành Sơn vào Đàng Trong cùng với nhiều thay đổi trong ngữ âm và bổ sung nhiều từ vựng từ tiếng Khmer, tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến…
Có những tổ hợp song âm khi tách ra dùng đơn lẻ thì tiếng Nam chọn yếu tố thứ nhất, còn tiếng Bắc chọn yếu tố thứ hai: dơ bẩn, đau ốm, lời lãi, bao bọc, mai mối, hư hỏng, dư thừa, kêu gọi, sợ hãi, hình ảnh, la mắng, bồng bế, hăm dọa…
Ngược lại có những tổ hợp người miền Bắc chọn yếu tố đầu, người miền Nam chọn yếu tố sau: thóc lúa, giẫm đạp, đón rước (trong phương ngữ Bắc Bộ, rước mang nghĩa trang trọng), lừa gạt, sắc bén, lau chùi, thứ hạng, chăn mền, chậm trễ, tìm kiếm, vâng dạ, đùa giỡn, thuê mướn, mau lẹ, hung dữ, trêu chọc…
Nhiều từ vựng, phương ngữ Bắc quen dùng từ thuần Việt, phương ngữ Nam hay dùng từ Hán Việt như (bắc/nam): hát/ca, chè/trà, bèo tây/lục bình, quán/tiệm, mướp đắng/khổ qua, đỗ/đậu… Ở chiều ngược lại, phương ngữ Bắc thông dụng từ Hán Việt thì phương ngữ nam hay dùng từ đã Việt Hóa như: hoa quả/trái cây…
Nhiều từ vựng phương ngữ miền Nam có nguồn gốc từ bối cảnh sông nước, đặc điểm tự nhiên của miền Tây Nam Bộ, như: có giang, quá giang, anh em cọc chèo (phân biệt chèo lái, chèo kế, chèo mũi) chỉ anh em đồng hao ở ngoài Bắc, khẳm (chỉ thứ gì nhiều quá ví dụ khẳm tiền), chìm xuồng (chỉ vụ việc bị lãng quên), tới bến, xuống nước…