Cung cách ngồi của người Việt Xưa

Như đã từng đề cập trong bài về sập, phản, chõng, người Việt thời xưa thường có thói quen ngồi rất đặc trưng và phổ biến: ngồi bệt – tức là ngồi trên một mặt phẳng có diện tích rộng như sập ,phản hay sàn (trải chiếu). Dựa vào các tư liệu tranh ảnh và việc quan sát thói quen sinh họat người dân thời Lê, Nguyễn ta có thể thấy rõ điều này. Thường nhật khi ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí v.v. người Việt đều ngồi trên sập, phản, có những dịp như khi ăn cỗ, ăn lễ thì người ta còn trải chiếu lên sàn đất, sàn gạch mà ngồi.

Cách ngồi của người Việt trong 1 đoạn của bộ tranh Shuin-sen Kochi toko zukan, tả cảnh 1 thương gia người Nhật chầu phủ chúa Nguyễn.

Điêu khắc gỗ mô tả người thời Lê ngồi sập.

Tranh người thời Lê trải chiếu ngồi bệt.

Ăn cỗ, trải chiếu lên sàn ngồi – Tranh người Pháp vẽ thời Nguyễn.

Ngoài ra, cùng với việc ngồi sập, người Việt – nhất là giới quý tộc – còn thường sử dụng gối xếp để tựa tay, tựa lưng lên tránh mỏi lưng. Gối xếp thường có dạng các lớp gối hình hộp gắn liền nhau, khi dùng thì xếp chồng rồi tựa tay lên (cũng có khi gối tựa có dạng một khối liền, nhưng chủ yếu vẫn là gối dạng gối xếp).

Gối xếp, hiện vật thời Nguyễn trong triển lãm “Cải cách ruộng đất”.

Tranh người thời Lê ngồi bệt trên sàn, kê gối xếp để gác tay.

Tranh của Phong ronin, tái hiện cảnh người thời Trần ngồi sập (phản) kê gối xếp.

Về tập tục này, dù hiện chỉ còn tranh ảnh thời Lê và Nguyễn còn khắc họa lại, ta cũng có thể suy về thời Lý Trần, thậm chí thời kỳ sơ khởi cũng không có nhiều điểm khác biệt, vì phong thái cung cách này mang đậm tính thói tục bản địa, nếu khác thì có chăng là hình dáng, họa tiết của sập, chiếu mà thôi.

“An Nam Chí Lược” – Quyển 1 – chương “Phong tục” chép về thói quen tập tục của người An Nam thời Trần rằng: “Dân văn thân hiệu Ngô Việt chi tục… Địa thử nhiệt, hiếu dục ư giang, cố tiện đan thiện thủy. Bình cư bất quán, lập nghĩa thủ tịch tọa bàn song túc,” dịch nghĩa – “Dân vẽ mình bắt chước tục người Ngô, người Việt… vì khí hậu nóng nực, dân ưa tắm ở sông, nên họ chèo thuyền và lội nước rất giỏi. Ngày thường không đội mũ, đứng thì vòng hai tay, ngồi thì trải chiếu xếp bằng hai chân.”

Trích đoạn trong An Nam Chí Lược Quyển 1 chương “Phong tục” (phần bôi màu): Bình cư bất quán, lập nghĩa thủ tịch tọa bàn song túc” – Ngày thường không đội mũ, đứng thì vòng hai tay, ngồi thì trải chiếu xếp bằng hai chân.

“Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài” chép về thói quen ngồi của người thời Lê rằng “Họ bắt hai chân chéo lại như thợ may của ta (Pháp) ngồi vậy. Trong nhà có những vị vương hầu, trong phòng khách có một hậu cung (alcove) có một cái bệ cao hơn mặt đất khoảng 30 cm. Trên bệ trải một chiếc chiếu có sợi nhỏ như những sợi chỉ, họ không có tục trải thảm lên sàn như những xứ khác ở châu Á… Chiếu hình vuông, rộng độ tám, chín aunes, nhẵn và mềm như nhung. Người ta dùng chiếu này để trải lên bệ nơi các quan ngồi…”

Về tục ngồi sập của thời Nguyễn, vùng Nam Kỳ thì: “Ngày 2/9/1822, Crawfurd đã gặp một hoạn quan giữ chức “Governor of Saigon” (có lẽ là Lê văn Duyệt ?) và tả một cuộc gặp gỡ khá tường tận: “Giữa phòng, trên một cái sập cao hơn thường lệ, là viên “Tổng trấn” ( ?) đang ngồi chễm chệ. Chúng tôi tiến lên cúi chào, ông ta cứ ngồi yên không đáp lễ. Sau đó người ta chỉ cho chúng tôi ngồi xuống dẫy ghế bên phải ông ta, ghế bên trái dành cho viên quan cao cấp bậc nhì trong phòng, những người khác đứng đằng sau hoặc ngồi trên một cái sập khác.” (Crawfurd , trang 216-217)

Ảnh so sánh cung cách ngồi tiêu biểu của nữ quý tộc các nước Trung, Nhật, Việt, Hàn.

Qua thói quen ngồi bệt này (cũng như với tục đi võng, vác kiếm…), ta cũng có thể hiểu rõ hơn về quan điểm, phương thức học hỏi văn minh nước khác của cha ông thuở trước: Dù kiểu dáng đồ cụ, phục trang có ảnh hưởng phong cách tạo tác của Trung Quốc, dù hoa văn họa tiết có học hỏi của Trung Quốc, thì với việc lưu giữ cái thói tục đặc trưng của mình, nhất quán qua các thời đại, phổ biến trong mọi tầng lớp, thì văn hóa Việt vừa mang đậm màu sắc phương Đông, mà vẫn tạo nên bản sắc rất độc đáo riêng biệt của dân tộc mình. Đó chính là cái tinh hoa văn hóa, là điểm tiến bộ của cha ông mà nay chúng ta phải học hỏi và kế tục vậy.

Ăn trên phản – Kỹ nghệ người An Nam, thời Nguyễn.

Dạy học trên phản – Kỹ nghệ người An Nam, thời Nguyễn.

Chơi bài trên phản – Kỹ nghệ người An Nam, thời Nguyễn.

Người Sài Gòn thời Nguyễn, ngồi ăn trên phản.

Quý tộc hút điếu bát trên phản – ảnh thời Nguyễn.

Ăn trầu trên chõng.

Chơi đàn trên sập – tranh cổ thời Nguyễn.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *