Quân đội thời Trần sử dụng những vũ khí gì?
Dưới đây là bảng danh sách những loại vũ khí, binh chủng có bằng chứng xác nhận là đã thật sự được sử dụng – hoặc ít nhất, được biết đến – vào đời Trần. Để tránh việc suy luận nhiều khi có thể dẫn đến sai lầm, bài viết này loại bỏ những thông tin về vũ khí được nhắc đến ở những triều đại Ngô – Đinh – Lý trước đó. Các thông tin đó sẽ được đề cập ở những bài viết khác, tương ứng với triều đại của nó. Bài viết cũng loại bỏ phần chiến thuyền, vì đây là một đề tài phức tạp, gắn liền với binh chủng thuỷ quân, cần có một bài riêng.
1/ Giáo + khiên:
– Trên chiếc thạp bằng sứ tráng men thời Trần, ta thấy vẽ hình các chiến binh cầm giáo và khiên đang tập luyện với nhau.
Thạp gốm đời Trần
= > Như vậy, vào đời Trần, có thể người ta thường sử dụng giáo kết hợp với khiên.
2/ Gậy:
– Sứ giả Nguyên là Trần Phu trong cuốn An Nam Tức Sự của mình miêu tả về dân binh đời Trần như sau:
“ Mỗi châu huyện có quan gọi là “tướng tưu”, coi việc tuần tra, kiêm lĩnh quân sĩ. Có biến động thì lệnh bọn tráng đinh đi đến, các đồ khí giới đều tự trang bị, không có cung tên, chỉ cầm phiêu thương, nỏ thuốc độc, cũng có người cầm cây gỗ trắng”
( Nguyên văn viết là: “ 无弓矢,惟持药弩标枪,亦有操白梃者 – vô cung thỉ, duy trì dược nỗ phiêu thương, dựu hữu thao bạch đĩnh giả”. Văn bản gốc miêu tả cây gậy dưới cái tên “ bạch đĩnh”.)
3/ Lao:
– Cũng Trần Phu ở trên đã xác nhận trong số các vũ khí của dân binh đời Trần, có một thứ mà ông gọi là phiêu thương-标枪. Phiêu thương là cách người Trung Quốc…hiện đại dùng để gọi cây lao. Đáng tiếc là ta không dám chắc người đời Nguyên có sử dụng cách gọi đó với cùng một nghĩa hay không.
hai loại mũi giáo đời Trần khai quật được. Hình từ sách Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh, tập 24. Có thể mũi lao cũng trông như thế này.
4/ Nỏ thuốc độc:
– Cũng Trần Phu ở trên đã xác nhận trong số các vũ khí của dân binh đời Trần, có một thứ mà ông gọi là dược nỗ-药弩, tức nỏ thuốc độc.
– Nguyên Sử cũng xác nhận tướng Nguyên là Lý Hằng đã bị tên độc bắn chết khi tham chiến ở ta trong cuộc xâm lăng lần thứ 2. Nhưng sách không thể xác nhận được mũi tên đó được bắn bằng cung hay nỏ.
– Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1305 viết rằng:
“ Bấy giờ có viên độc bạ là Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi ngề đánh cá,bắn nỏ và chơi cầu. Vua sai dạy thái tử các nghề ấy.
…Người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, tức là kiểu chữ “đinh” không thành, chữ “bát” không ngay. Cụ thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người:”Phàm bắn cung thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?”.”
tranh đi săn tù binh trên thạp gốm đời Trần. Ở góc phải có xuất hiện một thứ không rõ là cung hay nỏ.
5/ Cung tên:
– Cũng chi tiết về Trần Cụ mà Toàn Thư chép ở trên, ta có thể thấy người đời Trần có hiểu biết về cung và thật sự biết bắn cung. Bằng chứng là Trần Cụ đã phân tích sự khác biệt giữa cách bắn cung và bắn nỏ như ta thấy. Như vậy, lời nói của Trần Phu không hẳn phủ nhận việc người Việt sử dụng cung tên, mà là xác nhận dân binh đời Trần không sử dụng loại vũ khí này.
– Trong Hịch tướng sĩ, Trần – Quốc Tuấn khuyên các tướng phải “huấn luyện quân sĩ,tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ”.
– Nguyên Sử cũng xác nhận tướng Nguyên là Lý Hằng đã bị tên độc bắn chết khi tham chiến ở ta trong cuộc xâm lăng lần thứ 2. Nhưng sách không thể xác nhận được mũi tên đó được bắn bằng cung hay nỏ.
Điều khó khăn ở đây là ta không thể biết được cung tên thời Trần được chế tạo bằng loại chất liệu gì, để qua đó ước lượng lực bắn và tầm bắn của cung Việt thời đó.
6/ Khiên:
– Như trên đã nói, thạp sứ đời Trần có hình ảnh mô tả binh sỉ sử dụng khiên và giáo.
– Trong An Nam Tức Sự, sứ giả Trần Phu miêu tả về các vương hầu như sau:
“ Nắm việc nước có hai người, chú của vua là Thái sư Trần Quang Khải và em là Thái úy Trần Đức Diệp. Việc nước lớn nhỏ, Khải, Diệp đều nắm giữ. Hễ ngồi kiệu đến dưới cửa điện thì có hai người cầm hai cái mộc, tròn như cái gương, màu xanh, rộng sáu thước, trên mộc vẽ hình Mặt trăng, Mặt trời, sao Bắc đẩu, 28 ngôi sao, ý là để tự phòng vệ vậy.”
Một chiếc thạp đời Trần khác, miêu tả người chiến binh sử dụng khiên cùng một loại vũ khí lạ, trông như chày.
– Theo sách Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh, người ta đã khai quật được một cái khiên gỗ dài tới 1 met, có hình dạng như sau:
khiên bằng gỗ, cao 1 met
7/ Sóc:
là loại giáo dài khoảng 4,1 met.
– bài thơ Thuật Hoài của Phạm Ngũ Lão: “Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu” ( cắp ngang ngọn sóc đã được mấy mùa thu rồi)
– Trần Quang Khải sau khi đánh thắng trận Chương Dương – Thăng Long đã làm thơ ca ngợi chiến công, trong đó có câu “Đoạt sáo Chương Dương độ” ( đoạt sóc ở Chương Dương)
= > Theo những bài thơ này thì sóc được cả quân ta lẫn quân Nguyên sử dụng.
8/ Kích:
phiên bản cao cấp hơn của giáo, cách sử dụng cũng khó hơn rất nhiều.
– Trong Bạch Đằng Giang Phú của Trương Hán Siêu có viết: “ chiết kích trầm giang”. Cụm từ này được sách giáo khoa dịch là “ sông chìm giáo gẫy”, nhưng kỳ thực ý nghĩa của nó là “ những ngọn kích gẫy trầm mình dưới đáy sông”.
Tuy vậy, bài phú này mang nhiều tính ước lệ. Ngoài việc xác nhận người đời Trần biết đến sự tồn tại của kích ra, ta không dám chắc nó có thật sự khẳng định binh sĩ hai bên sử dụng loại vũ khí này hay đây chỉ là một cách nói cường điệu trong văn vẻ mà thôi. Ngoài ra, ta cũng không có tư liệu hình ảnh gì về kích thời Trần.
Các mẫu kích trong đồ nghi trượng thời Nguyễn
Phương Thiên Họa Kích trong tranh đời Nguyễn, xuất hiện trong cuốn ” techique du people Annam”
9/Câu liêm:
loại vũ khí có cán dài, lưỡi quắm, dùng để móc hoặc cắt dây leo.
– Trong trận Bạch Đằng (1288), tướng Nguyên là Phàn Tiếp bị thương nhảy xuống nước, quân ta dùng câu liêm móc lên bắt sống.
– Theo sách Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh, người ta cũng đã khai quật được một lưỡi câu liêm đời Trần, hình dáng như sau ( có vẽ hai mũi câu liêm đã bị gãy):
10/ Đao kiếm:
Theo người Việt thường hình dung:
– Kiếm là thứ vũ khí cán ngắn, thân kiếm thanh mảnh, mũi nhọn, lưỡi có thể dài hoặc cong, thường dùng để đâm hoặc chém.
– Đao được xem là tương tự kiếm nhưng thân thường to bản và có lưỡi cong, chủ yếu dùng để chém.
Thật ra Trung Quốc và các nước Đông Á khác không phân loại như vậy. Thứ người Việt thường xem là “ đao” kia thực chất là mẫu đao kiểu Tống-Minh,có lưỡi cong và thân thường to bản. Thế nhưng, đó chỉ là một trong rất nhiều kiểu đao mà thôi.
Theo cách phân loại của Trung Quốc, được cả Hàn và Nhật đồng tình sử dụng:
– Kiếm: có 2 lưỡi, có thể dùng để đâm hoặc chém
– Đao: có 1 lưỡi, thiên về chém Nhưng vẫn có thể dùng để đâm ( nếu có mũi nhọn).
* Katana -刀, trong tiếng Nhật kỳ thực có nghĩa là đao, không phải là kiếm như người Việt thường gọi.
* Cần phải nói thêm rằng, trước khi đụng độ với quân Mông Cổ, đao kiếm các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn, Nhật đều thẳng tắp. Đao cong mà ta thấy sau này là do ảnh hưởng từ vũ khí của người Mông Cổ.
Như vậy, để tránh những rắc rối có thể xảy ra do việc phân loại, tôi gộp hết cả hai loại vào một nhóm.
Nhà Trần để lại một số tư liệu về đao kiếm như sau:
– Trong bài Bạch Đằng Giang Phú, Trương Hán Siêu mô tả quân nhà Trần trong trận Bạch Đằng như sau:
“貔貅六軍, 兵刃蜂起 – Tì hưu lục quân, binh nhẫn phong khỉ”
Từ “ nhẫn”-刃có thể dùng để ám chỉ vũ khí có mũi nhọn, lại cũng có thể dùng để ám chỉ vũ khí có lưỡi để chém ( VD: đao nhẫn – 刀刃 : lưỡi đao). Như vậy, từ này có thể dùng để cùng lúc ám chỉ cả giáo, đao, kiếm và tất cả các vũ khí dùng để đâm hoặc chém khác.
– Đao còn được nhắc đến gián tiếp ở các sự kiện như sau trong Toàn Thư:
+ “1285: Tháng 5, ngày mồng 3, hai vua đánh bại giặc ở phủ Trường Yên2, chém đầucắt tai giặc nhiều không kể xiết.”
+ “ 1285: Hôm đó, ta đánh bại giặc ở Tây Kết, giết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu Nguyên Soái Toa Đô8”
+ Năm 1288, có người tên Đặng Long hàng giặc, “ hắn bị bắt, đem chém để răn bảo kẻ khác.”
+ Năm 1309: “ Tên Hân bị chém ở cầu Giang Khẩu”.
…
Còn rất nhiều dòng có nội dung tương tự thế. Vũ khí dùng để chém người ở đây tuy không được nói rõ, nhưng ta có thể dễ dàng nhận biết là đao hoặc kiếm ( dù thiên về đao hơn).
– tranh Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ có lẽ là bằng chứng rõ ràng nhất về sự xuất hiện của đao kiếm đời Trần. Trong tranh có vẽ các thị vệ cầm đao đang đứng hầu. Cây đao trong tranh là loại đao cong, cho thấy nhà Trần đã rất nhanh chóng tiếp thu mẫu vũ khí này trong quá trình chiến đấu với người Mông Cổ.
Quân hầu cầm đao cong trong tranh Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ đời Trần.
11/ Kỵ binh:
– Được Toàn Thư nhắc đến trong trận Bình Lệ Nguyên năm 1258. Trận này miêu tả tướng Lê Tần “ một mình một ngựa ra vào trận giặc ( Mông Cổ), sắc mặt bình thản như không”.
Tuy thế, sử không miêu tả rõ hơn về trang bị giáp trụ lẫn vũ khí mà kỵ binh thời này sử dụng. Nó cũng không miêu tả quy mô kỵ binh đời Trần chi tiết như thế nào.
Thạp gốm đời Trần, vẽ cảnh người cưỡi ngựa.
12/ Tượng binh:
– Toàn Thư có vài lần nhắc đến voi vào đời Trần như sau “ 1269: Mùa xuân, tháng 2, Chiêm Thành dâng voi trắng.”. Thế nhưng, không thật sự có một dòng nào nhắc đến voi chiến vào đời Trần.
– Trong các sản phẩm thủ công nghiệp, chúng ta vẫn còn thấy hình ảnh voi trên các thạp gốm tráng men đời Trần.
voi trên thạp gốm đời Trần
– Ngoài ra, bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia vẫn còn lưu lại một cái bình trà hình con voi có quản tượng ngồi trên nó.
Như vậy, dưới đời Trần, người Việt thật sự có tiến hành thuần hoá và sử dụng voi. Tuy nhiên, ta không có bằng chứng khẳng định việc họ dùng voi trong chiến trận. Ta chỉ có thể suy đoán rằng thời Trần vẫn có tượng binh, vì binh chủng này đã từng được sử dụng vào đời Lý trước đó ( Thân Cảnh Nguyên đánh quân Tống xâm lược ở ải Quyết Lý năm 1077) và đời Hồ sau đó ( nhà Hồ sử dụng voi chiến trong trận Đa Bang năm 1407).
13/ Máy bắn đá:
– Nguyên sử, phần An Nam truyện có chép việc sử dụng pháo của quân nhà Trần. Sự kiện đó diễn ra vào tháng 2-1285. Quân Nguyên lúc đó tiến đến gần Đông Bộ Đầu, đóng ở bên kia sông Nhị, chuẩn bị tiến công vào Kinh thành Thăng Long. Quân ta do vua Trần chỉ huy từ bên này sông đã “bắn pháo hô to, thách đánh” (nguyên văn của Nguyên sử là: Phát pháo đại hô cầu chiến.). Nguyên văn chữ Hán ghi chữ “ pháo” bằng bộ “ thạch” ( đá), ám chỉ máy bắn đá.
Ta không biết đời Trần sử dụng loại máy bắn đá cụ thể gì. Nhưng theo truyền thống các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật thì trong khu vực thịnh hành loại máy bắn đá giật tay thô sơ.
Máy bắn đá giật tay, kiểu máy bắn đá rất phổ biến ở Á Đông.
14/ Hoả súng:
là phiên bản rất sơ khai của súng ống hiện đại. Kích cỡ của nó lúc đó có thể to như đại bác, nhưng thường là những ống đồng nhỏ, buộc lên đầu cán gỗ để người lính cầm tay khi bắn.
Loại vũ khí này bắt đầu xuất hiện vào cuối đời Trần. Nhưng hiện nay, ta không còn lưu lại được mẫu hoả súng nào của triều đại này nữa. Thông tin duy nhất còn lại về sự xuất hiện của nó là trong trận chiến cuối cùng với Chế Bồng Nga được Toàn Thư ghi chép:
“ Khát Chân liền ra lệnh các hoả súng nhất tề nhả đạn,bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết, người trong thuyền ồn ào kêu khóc”
Điều đáng lưu ý ở đây là sức mạnh đáng kể của hoả súng nhà Trần. Vào thế kỷ XIV, các hoả súng đương thời trên thế giới thường có lực bắn và tầm bắn yếu. Thế nhưng, hoả súng nhà Trần – dù không biết được bắn ở cự ly nào – đã xuyên thủng cả ván thuyền và giết chết vua Chiêm. Đây là một điều đặc biệt đáng ghi nhận.
Mẫu hoả súng của nhà Nguyên- Mông thế kỷ XIV
cách sử dụng hand-cannon đương thời
15/ Phủ:
một cây rìu có cán dài.
Nằm ở góc trái tấm hình dưới đây là cây phủ đầu rồng đời Trần được khai quật. Tuy vậy, không có bằng chứng gì phủ được nhà Trần sử dụng làm vũ khí, bởi vì nó vốn được các triều đại phong kiến dùng làm…đồ nghi trượng mà thôi.
16/ Nỏ nước:
Bài viết này đề cập đến An Nam Tức Sự của sứ giả Trần Phu: Vua Trần Nhân Tông và sự nghiệp xây dựng hòa bình thời hậu chiến
Theo đó, Trần Phu từng nhắc đến một thứ vũ khí gọi là nỏ nước:
“Nỏ nước, một tên khác là xá sa, người bắn dùng hơi để bắn xa được ba mươi bộ. Bắn trúng thì thấy có cái bóng màu hồng và ngứa thì liền lấy dao khoét bỏ mảnh thịt đó đi. Không thế thì ngứa cho đến chết“.
Thế nhưng, do thiếu bản chữ Hán, tôi không thể kiểm chứng được thông tin này. Ngoài ra, cách diễn tả của đoạn trích cũng quá khó hình dung loại vũ khí trên có hình thù và hoạt động như thế nào.
17/ Máy bắn nỏ:
Trong An Nam Chí Lược, Lê Trắc xác nhận quân đội nhà Trần sử dụng loại thuyền tiêu chuẩn có tên là Mông Đồng. Mỗi chiếc thuyền này có thể chở khoảng 50 người gồm một nửa là tay chèo, nửa kia là quân lính. Ngoài ra, mỗi thuyền còn được trang bị 2 máy bắn nỏ.
Tuy vậy, ta không có thông tin chi tiết về loại máy bắn nỏ được nhà Trần sử dụng.
Nguồn: Daiyevon Blog