Câu chuyện “Tứ Vương Đoạt Đích”

Sinh ra trong gia đình đế vương là 1 may mắn và cũng là 1 trường đấu đá.

Bức ảnh này theo thứ tự từ trái qua phải: Nghi Dân – Bang Cơ – Khắc Xương – Tư Thành, hình minh họa trong tác phẩm “Thành Kỳ Ý” của hoạ sĩ SAN

Chuyện bắt đầu bằng cái chết của vua Lê Thái Tông trong vụ án bi thảm nhất lịch sử phong kiến Việt Nam: vụ án Lệ Chi Viên – Nguyễn Trãi. Ngày băng hà, Lê Thái Tông chỉ mới 20 tuổi, để lại 4 người con tài năng trong vòng xoáy quyền lực: đấy là Nghi Dân, Bang Cơ, Khắc Xương và Tư Thành.

Khi 4 người con tài năng ấy của Lê Thái Tông đi vào cuộc tranh giành thiên hạ, 4 người đã tạo nên cuộc tranh giành ngôi vương thảm khốc nhất lịch sử phong kiến Việt Nam, cũng là cuộc chiến đủ dựng nên một bộ phim lịch sử oanh oanh liệt liệt.

– Bang Cơ lên ngôi, Nghi Dân giết.
– Tư Thành lên ngôi, Khắc Xương tự sát.

Hôm nay, chúng ta ngồi đây để kể cho nhau về câu chuyện ấy. Trong khuôn khổ của page, với những người trẻ đam mê lịch sử.

Hãy đi từ lớp lang, từ nguồn gốc của sự tranh đoạt đó, cho đến khi mọi thứ dừng lại ở thời đại “Hồng Đức thịnh thế” của Lê Tư Thành – kẻ cuối cùng còn sống sót của cuộc chiến cửu ngũ.

//

Hãy bắt đầu từ comment của bạn Nguyen Minh Tuan với luận giải: Nguyên nhân của những cuộc đấu đá này nếu xét tới tận cùng phải xét tới cả 2 vua đầu triều là Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông.

Đầu tiên chúng ta cần nhớ một điều, Lê Lợi – Lê Thái Tổ là một vị vua không đơn giản. Nhà Lê dưới thời ông được dựng lên từ chiến trận, với sự đóng góp của các công thần trụ cột, nên ông đã dùng một cách quản lý theo kiểu Chu Nguyên Chương hay Lưu Bang mà ta gặp bên Trung Quốc. Đó là gì? Lê Thái Tổ tạo ra sự đấu đá, giành giật giữa các công thần nhằm để họ tự kiềm chế lẫn nhau. Sự lo ngại và nghi kị khiến Lê Thái Tổ lần lượt tiêu diệt Trần Nguyên Hãn (mầm mống họ Trần), Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chích. Những người ở lại ai nấy đều phải tự tìm cho mình một bè cánh để sống sót. Bản thân Nguyễn Trãi “Ức Trai quang khuê tảo” bản thân cũng là một người phải lăn lộn bằng đủ mưu mẹo trong chính trường. Trên thì nịnh vua, dưới thì lấy lòng các bà phi tần, lại thường đấu đá với các phe nhóm hoạn quan. Những sự tranh giành, thù hận này bị kìm nén dưới thời Lê Thái Tổ âm ỉ nhưng dai dẳng, sẽ đợi một ngày thích hợp để bùng nổ.

Lê Thái Tông bước đầu cũng đã phải hứng chịu hậu quả từ những sự đấu đá này. Lần lượt anh em Lê Ngân, Lê Sát bị bức tử vì quyền hành quá lớn, con gái của các ông này cũng bị tước hết bổng lộc. Trên chính trường đã vậy, trong hậu cung lại càng thảm khốc. Một trong những điểm không may mắn của Lê Thái Tông là mẹ mất sớm, hậu cung không có người chủ quản. Bản thân Thái Tông là người trước sau không như một, chuyện phế lập xảy ra như cơm bữa. Ở trên đã nói tới con của hai vị đại thần vì cha mà bị đuổi đi. Ngay cả hoàng hậu Dương Thị Bí cũng bị phế truất, thay bằng người thiếp yêu là Nguyễn Thị Anh, bản thân Thái tử Lê Nghi Dân không phạm lầm lỗi gì cũng bị đuổi đi làm Lạng Sơn vương. Nên nhớ lúc này Lê Thái Tông mới chỉ 17-18 tuổi, việc tự bản thân ông gây nên những mâu thuẫn gay gắt đến mức như vậy có thể coi là hết sức nông nổi. Ngay cả mối quan hệ của ông với Nguyễn Thị Lộ cũng là một dấu hỏi lớn. Có hai luồng giả thiết. Một cho rằng Nguyễn Thị Lộ lúc đó gã gần 40 tuổi, không thể nào quyến rũ nhà vua. Một giả thiết khác cho rằng Nguyễn Thị Lộ từ ban đầu vào cung đã là tính toán của Nguyễn Trãi nhằm đánh vào điểm yếu đam mê nữ sắc của Thái Tông, kế hoạch này ban đầu đã thành công khi Lê Thái Tông đã không ít lần nghe theo Nguyễn Thị Lộ loại bỏ những người đối đầu Nguyễn Trãi.

Bối cảnh lúc này có thể thấy đang ngày càng trở nên hỗn loạn. Trên thì nhà vua trẻ tuổi, có phần nông nổi, bồng bột. Ngoài thì các đại thần bất mãn, trong thì các phi tần đấu đá. Cái chết của Thái Tông ở Lệ Chi Viên đơn thuần chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Cuộc nồi da nấu thịt âm ỉ kéo dài trước đó đã bùng nổ. Từ đó, chỉ trong vòng hơn 10 năm mà ba nhà vua lần lượt chết trẻ, các khai quốc công thần người bị giết, người bị phế bỏ.

//

Không chỉ đơn giản là các mâu thuẫn tồn tại âm ỉ, chỉ bị áp chế chứ không bị tiêu diệt, mà lớn lao hơn, là một câu chuyện nhãn tiền ra đó, ở đây bạn Khanh Nguyen Nam đã chỉ ra:

“Quận Vương Lê Tư Tề là con cả của Thái Tổ Lê Lợi, từng theo cha đánh quân Minh, lập nhiều quân công, từng phụ chính trông coi việc nước. Theo lẽ thường thì ngôi chí tôn sớm muộn cũng thuộc về ông. Năm 1429 vua Lê Thái Tổ ra chỉ dụ cho 7 vị đại thần đương triều mang kim sách sắc phong trưởng tử Tư Tề làm quốc vương, thứ tứ Nguyên Long làm hoàng thái tử. Chính Thái Tổ đã giải thích nguyên tắc truyền ngôi: một mai khi vua băng hà thì Tư Tề sẽ lên ngôi và Nguyên Long sẽ là người kế vị của anh trai. Vào thời điểm này, không có bất kỳ lý do gì để vua không truyền ngôi cho Tư Tề.

Nguyên Long muốn lên ngôi vua kế vị Thái Tổ thì buộc phải đẩy người anh của mình xuống. Và Lê Nguyên Long tức vua Lê Thái Tông sau này được sự phò tá của đại tư đồ Lê Sát và thiếu uý Lê Khôi đã đạp lên người anh tài năng của mình để bước lên ngai vàng. Phe Lê Sát dồn Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn – 2 đại thần ủng hộ Lê Tư Tề vào chỗ chết. Đến năm 1433, Tư Tề bị phế truất viện cớ do ông điên cuồng, hoang dâm, lạm sát tỳ thiếp, 1 cái cớ rất vu vơ để phế 1 quốc vương. Từ lúc ấy, vương giả chi lộ của Nguyên Long đã ko còn chướng ngại nào nữa. Tư Tề bị cấm cố, giam lỏng, biệt lập với mọi người, rồi bị phế làm thứ dân, chết trong uất ức câm lặng.

Đây là mở đầu cho truyền thống: Phế trưởng lập thứ của triều Lê. Tấm gương của vua cha như vậy, những người con có dám ngồi yên để huynh đệ ruột thịt giẫm lên xác của mình bước lên ngôi báu không. Chắc chắn là không rồi. Vì thế họ phải tranh giành, phải chém giết lẫn nhau. Ngôi chí tôn chỉ có một, ai cũng thèm muốn nên cuối cùng củi đậu vẫn phải nấu hạt đậu mà thôi.”

//

Bạn Mia Ly cũng xác định huynh đệ tương tàn đầu tiên trong lịch sử nhà Hậu Lê giữa Tư Tề và Nguyên Long chính mở đầu cho những cuộc tranh giành quyền lực nhuốm máu sử sách khác của chính họ Lê.

Giữa Nghi Dân và Bang Cơ, Tư Thành và Khắc Xương, Uy Mục và Tương Dực. Đời cha không gương mẫu thì đời con ắt loạn. Lý Thế Dân giết chết anh trai Kiến Thành để lên ngôi, dẫn đến con cháu đời sau giết nhau loạn cào cào. Đến nhà Lê của Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng nhân quả ấy. Lịch sử không có chữ nếu, sống chết thành bại âu cũng là cái số cả rồi.

Trong tranh giành đế vị, nếu anh thắng thì kết cục của em thường là an nhàn làm vương cả đời, ngay trong sử Việt cũng vậy chứ không nói sử Tàu. Từ Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông (ông này còn truyền ngôi cho cháu), nhiều đời vua thời Lý, Trần, Lê nguyên cái họ Mạc và đa số chúa Nguyễn, đến cả Trịnh Sâm bị em mưu phản bất thành cũng chỉ tống giam mà không giết, Trịnh Khải bị mẹ kế trù dập dữ dội thế cũng không giết Trịnh Cán (mà chắc là vì thằng bé ốm yếu quá, kiểu gì cũng chết nên không việc gì phải giết cho mang tiếng).

Ngược lại nếu em lên ngôi thì kết cục của anh bao giờ cũng thê thảm, tiêu biểu là Lê Long Việt, Tư Tề, Nguyễn Phúc Luân (anh Nguyễn Phúc Thuần), Nguyễn Phúc Hồng Bảo (anh Tự Đức),… ngay hoàng tử Cảnh chết yểu trước khi Minh Mạng lên ngôi mà đến đời con cũng không thoát, cả chi trưởng bị Minh Mạng trù cho không ngóc đầu lên nổi. Chắc chỉ có mỗi Hồ Nguyên Trừng là thoát được bi kịch này, vì Hồ Quý Ly còn chưa chết thì nước đã mất (một lần nữa tiếc cho Hồ Nguyên Trừng, giỏi vậy lại còn là con trưởng mà chỉ vì mẹ không có địa vị cao nên không được nối ngôi).

Kết luận: Đây như kiểu một cái dớp cho con trưởng, con thứ còn có đường lui chứ con trưởng mà không làm vua thì chỉ có đường chết thôi…

Như vậy hai câu chuyện để các bạn thấy được chuyện “nồi da xáo thịt” của 4 anh em Nghi Dân, Bang Cơ, Khắc Xương và Tư Thành chỉ là hệ quả kéo dài của một cái sai đã diễn ra từ thời Thái Tổ, Thái Tông. Bây giờ, chúng ta đi vào tiêu điểm chính của câu chuyện, về cuộc tranh đoạt 4 kẻ tài năng đó.

Hãy nói từ việc, vì sao Nghi Dân giết Bang Cơ cho bằng được.

//

Bạn Khanh Nguyen Nam đưa ra 2 lý do:

1. Sự ức chế dồn nén của Lê Nghi Dân:

Lê Nghi Dân vốn là con trưởng, lại được lập làm thái tử, nhưng sau vì Lê Thái Tông ghét bà phi Dương Thị Bí (mẹ Nghi Dân), ỷ con là thái tử nên cậy quyền hống hách, vua cha đã phế ngôi thái tử của Nghi Dân và truyền lại cho Bang Cơ. Cần để ý rằng Nghi Dân bị phế là do lỗi của mẹ chứ không phải lỗi của ông, ông chẳng qua là bị liên đới.

2. Tính chính thống của Lê Bang Cơ:

Từ thời đó và tận mãi sau này Bang Cơ luôn bị đặt nghi ngờ về huyết thống, cụ thể người ta cho rằng bà phi – sau này là Thái hậu Nguyễn Thị Anh đã mang thai trước khi nhập cung (nghe như Lã Bất Vi nhỉ). Mặc dù đã được Lê Thái Tông sắc phong thái tử nhưng vấn đề thân thế của Bang Cơ luôn là vấn đề âm ỷ trong hoàng tộc lẫn các quan đại thần trong triều, sở dĩ nó không thành vấn đề lớn vì có liên quan đến cả thiên tử và hoàng gia.

Cũng phải nói đến 2 cái chết chấn động đã góp phần làm cho những kẻ muốn lên tiếng phải thận trọng hơn.

Thứ nhất là bậc cửu ngũ chí tôn vua Lê Thái Tông, chết một cách bất thường, ông phải chết có thể là do “ai đó” sợ chuyện thái tử không phải con vua sẽ đến tai vua và dĩ nhiên nếu điều này xảy ra hậu quả sẽ không thể tưởng tượng.

Thứ hai, là cái án tru di của gia tộc Nguyễn Trãi. Nguyên do thì vì cái chết thứ nhất nhưng cũng có thể Nguyễn Trãi bị mang ra như hình nhân thế mạng (mình nghiêng về giả thuyết này), cũng có thuyết cho rằng vì Nguyễn Trãi nắm được bí mật nào đó nên ông là nạn nhân một vụ “giết người diệt khẩu”, thuyết này có vẻ không hợp lý lắm vì khi vụ án xảy ra Nguyễn Trãi đã cáo quan về ở ẩn mấy năm, sức ảnh hưởng của ông trong triều cũng không còn như trước.

Lê Bang Cơ lên ngôi khi còn nhỏ, thái hậu Thị Anh buông rèm nhiếp chính có lẽ cũng bảo bọc con mình tránh xa những lời dèm pha này nên khi lớn lên, thay vì phải đề phòng các anh ông lại không có biện pháp đề phòng, hậu quả là Lê Nghi Dân nhân lúc đêm tối cùng thủ hạ bắc thang trèo tường vào cung, làm cỏ một lèo hai mẹ con Bang Cơ.

//

Bạn Le Dan Quynh đóng góp 1 vài suy nghĩ.

1. Vì sao xảy ra cuộc tranh đoạt?

– Phế trưởng lập thứ là lý do thường được nhắc đến đầu tiên. Phế Nghi Dân khi không phạm phải lỗi lầm để lại sự uất ức trong Nghi Dân và phe cánh. Đồng thời lập Bang Cơ khi vừa gần 1 tuổi làm thái tử khiến quần thần cũng hoài nghi liệu đứa trẻ kia có tài đức gì, có phải là minh quân? Đó có phải là quyết định sang suốt? Triều đình 1 bên phẩn uất bất bình 1 bên nghi kỵ, nịnh thần tìm “cành tốt” mà đậu dẫn đến nội bộ chia rẻ. Xưa nay các cuộc binh biến tranh đoạt đều do đó mà ra.

– Lê Thái Tông lại ra đi quá sớm khi cục diện chưa ổn định. Cái chết của ông lại thập phần mờ ám, mũi dùi nghi hoặc lại chĩa vào mẹ con Bang Cơ.

– Nhân Tông ở ngôi 17 năm, tuy là hiền quân nhưng lại thiếu mưu lược thâm sâu của người làm chính trị giữa thời bất ổn. Lại thêm nghi vấn về lai lịch của Bang Cơ khiến sự việc như thêm dầu vào lửa.

– Thái Hậu nhiếp chính tạo ra không ít bất bình trong như trong Trung Hưng Ký có viết: “bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp cõi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai. Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn người hiền từ phải bó cánh.” “Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im ắng tựa cỏ khô.”

2. Về chuyện Lê Tư Thành lên ngôi là do Khắc Xương nhường?

Thiết nghĩ, lập luận này khá khập khiễng và ngây thơ chính trị. Đây là tranh quyền đoạt vị, là trận chiến sống chết. Há phải chuyện vui chơi mà “anh thấy anh không thích làm, anh nhường chú đấy”. Việc 1 người lên ngôi vua ảnh hưởng rất nhiều đến lợi ích phe phái trong triều. Các đại thần lẽ nào ngồi yên cho các hoàng tử nhường nhau? Việc Khắc Xương nhường, có thể do bản thân ngài ấy không thích vương quyền sau khi thấy anh em tàn sát. Cũng có thể so thế lực không bằng Tư Thành. Mình nghĩ có thể cả 2.

Hơn nữa, Lê Tư Thành là người như thế nào? Trong 4 hoàng tử, chỉ 1 mình Tư Thành trưởng thành ngoài cung, trải qua sóng gió từ thuở nhỏ, tâm tư cũng thâm trầm hơn. Tại sao cả Bang Cơ và Nghi Dân đều yêu quý Tư Thành? Con người này phải thâm sâu đến thế nào? Các bạn nghĩ Lê Tư Thành là người ngồi chờ sung rụng? Riêng tôi nghĩ Tư Thành luôn âm thầm quan sát và lên kế hoạch. Nguyễn Xí, Đinh Liệt – 2 công thần từ thời Lê Thái Tổ tại sao lại phò Tư Thành, không phải Khắc Xương?

Thánh Tông lên ngôi bức tử anh mình cũng như việc Ung Chính lên ngôi lần lượt lưu đày, bắt giam, hạ sát huynh đệ, đều là bước cờ chính trị an toàn nhất cho vương vị của họ. Cho nên người ta mới nói “diệt cỏ phải diệt tận gốc”. Nếu bạn cần dẫn chứng cho sai lầm khi tha cho kẻ có thể gây nguy cơ đến mình, tôi có thể kể đến việc Nguyễn Huệ đã không tiêu diệt được Nguyễn Ánh dẫn đến việc đẩy nhanh sự sụp đổ của Tây Sơn, việc Mao Trạch Đông đã không đuổi cùng giết tận Tưởng Giới Thạch dẫn đến việc Đài Loan đại diện TQ nhiều năm trong hội đồng bào an LHQ.

//

Bạn So Sono đi sâu vào chi tiết hơn một nấc nữa:

Về vụ án Lệ Chi Viên, sau này Lê Thánh Tông đã giải oan cho Nguyễn Trãi nhưng lại không hề chỉ ra hung thủ thực sự. Nhưng sau cái chết của Thái Tông thì ai là người có lợi? Đó chính là Nguyễn Thị Anh và Thái Tử Bang Cơ.

Có nhiều bằng chứng cho rằng Thái Tử chỉ được mang thai 6 tháng rồi ra đời. Tin đồn ngày càng lan rộng và có nguy cơ lọt vào tai vua. Thêm một chi tiết nữa là Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ đã phải che dấu và đưa Ngô Thị Ngọc Dao khi đó đang mang thai Lê Tư Thành rời khỏi cung và sinh ra ngoài cung. Một phi tần của vua đang mang thai mà lại phải chịu uy hiếp đến tính mạng như vậy mà vua không thể che chở được đến mức phải bỏ trốn ra khỏi cung? Như vậy có thể thấy Nguyễn Thị Anh đã cảm thấy ngôi vị thái tử của con trai mình đang bị uy hiếp mạnh mẽ. Khi mà 2 con trai khác của vua vẫn còn là Nghi Dân và Khắc Xương thì điều này chứng tỏ vua phải có sự yêu quý đặc biệt đối với đứa con sắp ra đời nên ngôi vị Thái tử có thể lung lay.

Trước khi chết, Nguyễn Trãi còn thốt lên rằng: “Ta hối không nghe lời Thắng, Phúc” là 2 quan ghi lại lịch trình ân ái của Vua. Ngoài ra, gia phả họ Đinh cũng ghi lại nhiều bài thơ của đại thần Đinh Liệt xác nhận Nguyễn Thị Anh chỉ mang thai 6 tháng và Bang Cơ làm vấy bẩn áo bào. Chính những chứng cứ rành rành như vậy mới là cái cớ tốt nhất để Nghi Dân làm binh biến nổi dậy giết Lê Nhân Tông và Thái hậu.

Xét về cuộc binh biến này, làm sao với 300 môn nhân và thủ hạ làm sao có thể đột nhập cung cấm để hành thích cả Vua lẫn Thái hậu? Xét về lực lượng lẫn thời gian đều khó có thể thực hiện nếu không có sự ủng hộ nội ứng từ phía trong. Như vậy không thể nói sự nổi dậy của Nghi Dân không có lòng người được ủng hộ được. Với những chứng cứ về thân thế của Nhân Tông chắc chắn Nghi Dân đã có một số sự ủng hộ nhất định. Nếu như Lê Nhân Tông đã không có huyết thống nhà vua thì việc Nghi Dân lấy lại ngôi báu là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc ông tự lên ngôi có vẻ không hợp với truyền thống tức là Vua được đại thần và nhân dân cầu xin, năn nỉ lên ngôi, rồi không từ chối được mà buộc phải làm. Đó là cái kịch bản giả tạo mà nhiều người đã sử dụng nhưng nó lại phù hợp với cái chủ nghĩa tập thể của nền văn hóa nông nghiệp như nước ta (Cái này có thể không liên quan nhưng khi còn đi học những bạn ứng cử làm các chức trong ban cán sự thường bị ghét hơn là các bạn được đề cử, mặc dù là ai cũng muốn ngang nhau).

Ngoài ra, khi Lê Nghi Dân lên ngôi lại giết một số đại thần không phục nên làm dấy lên lo ngại cho những người khác, biết đâu đến lượt mình, nên các đại thần phải hành động trước.

Khi binh biến lật đổ Nghi Dân các quan đã lấy lý do vô đạo và bất tài. Tuy nhiên, những chính sách của Nghi Dân lại được Tư Thành tiếp tục sự dụng và phát huy cho thịnh trị ở triều đại mình. Như vậy có thể nói lý do đảo chính ở cả 2 vế đều không thuận, không thuyết phục. Nhưng khi Thánh Tông lên ngôi, để hợp thức hóa ngôi vị của mình là chính đáng thì không thể suy tôn Nghi Dân. Nghi Dân đã là phản nghịch thì Nhân Tông và Nguyễn Thị Anh phải chính thống. Vòng luẩn quẩn đó không thể làm sáng tỏ. Tuy nhiên, Nguyễn Trãi lại là ân nhân cưu mang mẹ con Thánh Tông nên nếu Nguyễn Thị Anh chính thống thì Nguyễn Trãi phải có tội. Sau này ông đã có 1 cách vẹn cả đôi đường đó là minh oan cho Nguyễn Trãi và lý giải cái chết của Thái Tông được cho là đột tử. Như vậy, cách xử lý của Thánh Tông có thể nói là vẹn cả đôi đường.

Tuy nhiên, ông vẫn cho ghi lại lời luận tội của Nghi Dân dành cho mẹ con Nguyễn Thị Anh như một sự đồng thuận ngầm để lịch sử soi xét. Như vây, có thể vì mục đích chính trị mà Thánh Tông không thể làm sáng tỏ thân thế Nhân Tông. Tuy nhiên, những lời đồn đoán vẫn còn, nên nếu vế đầu tiên của vòng tuần hoàn này thay đổi tức là Nhân Tông không phải giống rồng thì Nghi Dân mới là người xứng đáng cho ngôi cửu ngũ chí tôn, mà Nghi Dân là thiên mệnh thì Tư Thành lại là kẻ cướp ngôi. Do vậy để loại trừ hậu họa, Lê Thánh Tông đã ra tay bức tử anh ruột mình là Khắc Xương, rào cản cuối cùng. Nên nhớ, những kẻ làm binh biến lật đổ Nghi Dân đã mời khắc Xương lên ngôi trước khi mời Tư Thành. Như vậy, Khắc Xương không phải là không có cơ hội. Chỉ có Khắc Xương chết đi, ngôi vị của Thánh Tông mới bền vững và con cháu ông cũng không phải lo lắng về việc bị lật đổ một lần nữa. Mọi chuyện chìm xuồng.

//

Bạn BD AC II nói thêm chi tiết về chuyện Lê Thánh Tông lên ngôi còn Lê Khắc Xương tự sát:

Một người càng lên cao thì lại càng sợ mất đi những thứ mình có được, nhất là khi thứ ấy chính là giang sơn vạn dặm, quyền lực tối thượng, vị trí “duy ngã độc tôn”. Do đó, sự tồn tại của Khắc Xương đã là một uy hiếp, mà với suy nghĩ sâu thăm thẳm của Tư Thành thì dù Khắc Xương làm điều gì cũng sẽ liên tưởng đến điều khác: Nếu khi ngài ăn chơi đàn đúm thì chỉ càng rước thêm họa sớm hơn vì làm liên tưởng đến Nghi Dân cũng từng như thế để che mắt Bang Cơ và khiến không chỉ hoàng đế mà cả ngôn quan có đủ lí do để định tội. Mà “Thất phu vô tội, hoài bích kỳ tội”, chính sự khiêm nhường của Khắc Xương lại càng khiến đấng đế vương nổi lên sát tâm phải trừ bỏ vì ngài “quá” tốt.

Cho nên trong hoàn cảnh thế cục đã định sẵn, ngài chỉ có thể lựa chọn sống an phận thủ thường nhưng giá như ngài khéo léo hơn để có chút thiếu sót mà không quá đáng thì có lẽ kết cục đã khác, nhưng đời không có chữ “giá như” bởi nếu ngài thấu đáo được như vậy thì đã không chỉ làm Vương gia. Chưa kể Tư Thành cũng là một người thù dai, sẽ không vì thời gian mà quên mất sự tồn tại của người anh cùng cha khác mẹ từng được quần thần đề nghị làm vua, có thể nói là ngài quá thừa sự ẩn nhẫn, ngài dùng thời gian để chờ thời cơ thích hợp mới ra tay “Anh hùng trả thù, mười năm chưa muộn”. Có lẽ, ngay từ đầu, bị số mệnh buộc phải đấu với một nhân vật hết sức BÁ ĐẠO như vậy, Cung vương Khắc Xương đã thua rồi, không cần đi tranh đoạt đã không còn cơ hội để thắng, chỉ chờ số mệnh an bài mà thôi. Và giá như ngài không sinh ra trong nhà đế vương thì đã may mắn biết bao, lại là một chữ “giá như”……

//

Xin khép lại bằng một lập luận đầy tính chính trị và phân tích rất kỹ của bạn Trần Đức Việt:

1. Mọi việc bắt đầu từ Thái Tổ chống Minh. Sau khi nhà Hồ bị Minh diệt, các cuộc khởi nghĩa của Hậu Trần hay Quý tộc sĩ phu lần lượt bị dìm trong bể máu. Lê Thái Tổ xuất thân là con nhà hào trưởng Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa, trước sau vũ dũng nhưng kém mưu nên thua nhiều hơn được vì trong tay nhiều võ tướng hữu dũng nhưng ko có đại thần kiêm văn võ hoặc bậc mưu sĩ phi thường. Lê Lợi có tiếng nhưng vì là hào trưởng phương xa nên văn nhân sĩ phu còn nhìn ngó mà ít theo về. Có Nguyễn Trãi vì mối thù mất nước lại mất cha mất em nên quyết tâm tìm bậc hào kiệt mưu đồ khôi phục. Được mưu của Trãi, lại có Trần Nguyên Hãn (là em họ Trãi, cháu nội của Trần Nguyên Đán hậu nhân của Trần Quang Khải) cùng với Phạm Văn Xảo người kinh lộ là những người có danh tiếng uy vọng lại mưu trí văn võ song toàn theo giúp nên từ đó Lê Lợi có kế hoạch chiến lược rõ ràng, trước chỉ loanh quanh ở mạn rừng núi Thanh Hoá nay thì đưa quân trước lấy Nghệ An để hợp làm Thanh Nghệ, vừa tránh thế lưỡng đầu thọ địch vừa dồn được quân kiêu dũng 2 xứ làm nòng cốt chia 3 đường tiến ra Bắc và cuối cùng là đánh đuổi quân Minh lên ngôi Hoàng Đế.

Công lao của Trãi, Hãn và Xảo lớn lại là người thuộc lớp sĩ phu quý tộc, khác với những chí cốt anh em của Lê Lợi như Lê Sát, Lê Vấn, Lê Ngân… là kiêu dũng vô mưu và bình dân nên bất đồng nổi lên cùng với việc Lê Lợi sợ bị phản nên dẫn đến cái chết của Xảo, Hãn và Trãi thì bị ra rìa. Tư Tề công lao nhưng vì có ý ủng hộ nhóm 3 người kia nên dần bị vu oan và thất sủng cộng thêm lời thề khi xưa giữa Lê Lợi và mẹ Nguyên Long nên Nguyên Long được phong Hoàng Thái Tử, quyền hành cuối thời Lê Lợi và đầu thời Lê Thái Tông nằm trong nhóm đại thân Lũng Nhai. Lê Sát, Lê Ngân sau khi nắm chắc quyền bính trong tay thực sự là người cai trị cho đến khi Nguyên Long trưởng thành thì lần lượt đều bị giết một phần vì quá chuyên quyền một phần vì trả thù cho anh trai của mẹ là Tể phụ Phạm Vấn.

Khi trưởng thành thì Thái Tông là một vị vua giỏi nhưng ham thích sắc đẹp, lấy nhiều vợ sinh 4 con trai là Nghi Dân, Khắc Xương, Bang Cơ và Tư Thành. Vì cuộc chiến hậu cung giữa Dương phi mẹ Nghi Dân và Nguyễn Phi mẹ Bang Cơ nên Nghi Dân bị phế truất làm Lạng Sơn Vương và Bang Cơ lên Hoàng Đế. Việc này có rất nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho rằng Nguyễn Phi có mang trước khi vào cung và bằng mọi cách vu vạ để Thái Tông ghét mẹ Nghi Dân nhằm đưa con trai mình lên Hoàng Đế nên đến khi Thái Tông biết tin liền bị giết và mưu vạ cả nhà Nguyễn Trãi. Có người thì nói rằng bà Nguyễn Phi vì sợ thói trăng hoa của Thái Tông nhỡ sau này sủng ái phi khác lại phế con mình nên ngầm ám sát, sự việc bị Thị Lộ biết nên vu cho Thị Lộ đồng thời hại cả nhà Nguyễn Trãi. Có người lại suy đoán đây lại là cuộc tranh đấu giữa phe cựu thần Lũng Nhai là Trịnh Khả, Nguyễn Xí và phe quý tộc sĩ phu vì lúc này vua Thái Tông có ý trọng dụng lại Nguyễn Trãi.

Chuyện xa xưa khó suy đoán nhưng âu cũng không ngoài việc tranh đoạt quyền lực và việc Nguyên Long giết anh trai là Tư Tề khi đã thực sự nắm quyền và ko có bất cứ trở ngại nào cho thấy các con các cháu Lê Lợi có sự nhẫn tâm nội tộc khủng khiếp. Bang Cơ lên ngôi có các đại thần từ thời ông nội phụ chính nên mọi việc cứ an bài xuôi chèo mát mái cho đến khi lớn lên vua tỏ ra anh minh, khôi phục lại nhiều chế độ, khôi phục lại con cháu các công thần, chuộng văn học, gần gũi anh em… nhưng cuối cùng thì vẫn bị giết. Nghi Dân, người này thực sự có tài với tâm trí mình là con trưởng, chỉ vì mẹ mà mất ngôi lại được tin là Bang Cơ ko phải con của cha, thân mang nỗi đau của mẹ nên mặc dù được Bang Cơ phong vương, được gần gũi nhưng cuối cùng vẫn giết mẹ con Bang Cơ để lên ngôi. Lúc đầu là cải cách chế độ, ưu ái công thần, ngoại giao vị thế nhưng sau một lần bị đảo chính ngược bất thành đã lại quay sang o ép cựu thần dẫn đến bị Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng phế, giết và rồi đưa Tư Thành lên ngôi.

Nghi Dân vì cái gì mà cướp ngôi? Vì đòi lại ngôi báu cho nhà Lê (nghi Bang Cơ không phải con đẻ của cha) hay vì mối thù mẹ bị hãm hại thất sủng hay sự thật là vì quyền lực? Không có lời giải cho các câu hỏi này! Bang Cơ là con nuôi hay con đẻ, nên nhớ là năm 1440 bà phi Nguyễn Thị Anh được vua Thái Tông sủng ái, một năm sau thì Bùi Quý Nhân sinh ra Khắc Xương và sau ít tháng, ngày 20/11/1441 bà Nguyễn Phi sinh Bang Cơ, như vậy thì chắc gì Bang Cơ ko phải con đẻ của Thái Tông. Nếu không phải con đẻ thì các đại thần lập quốc, công thần khai cuốc cùng hàng với Lê Lợi còn ngồi đầy trong triều chả nhẽ lại để yên?

Nghi Dân thật sự là kẻ cướp ngôi và cái việc Bang Cơ ko phải con đẻ chỉ là cái cớ? Cũng như tái phong vương cho 2 em Khắc Xương và Tư Thành cũng chỉ tạo thêm giả tưởng về một sự giết kẻ trá hình cố cựu tình huynh đệ? Dù Nghi Dân có làm một số việc tốt nhưng cướp ngôi là cướp ngôi. Tư Thành lên ngôi ban đầu ôn hoà để nắm dần quyền lực, sau này thì sáng suốt, minh triết, hào sảng, tao nhân và uy vũ trị người trị thần trị dân trị quốc và trị lân bang. Có thể nói vua là vị vua giỏi nhất lịch sử phong kiến nước ta. Tuy nhiên cũng không khác gì bố mình, mặc dù Khắc Xương không hề động tĩnh, không hề âm mưu, không hề có uy vọng vì vốn mẹ Cung Vương không được Thái Tông sủng ái nhưng Tư Thành vẫn đưa anh đầu quân cho Juventus và cuối cùng là noi tấm gương cha đã giết bác mình để một lần nữa bi kịch em giết anh lại xảy ra.

Xin nhận định rằng: Xuyên suốt quãng gần 40 năm đầu thời Lê sơ, chính và binh biến cung đình xảy ra như cơm bữa và liên tục cả mấy đời nhưng tại sao dân chúng không lầm than và lân bang như Chiêm Thành, Bồn Man ăn đòn liên tục? Đó chính là bởi vì đây thực sự là cuộc chiến giữa tinh hoa của quý tộc sĩ phu với tinh hoa của địa chủ nông dân tiêu biểu là 2 phe Lũng Nhai và Kinh Thành. Lê Lợi có thân tín là Sát, Vấn, Ngân, Xí, Lễ, Liệt, Triện… tất cả 19 người hội thề anh em kết nghĩa, tình như thủ túc nhưng trí không đủ để phục quốc vậy phải nhờ đến team con cháu quý tộc sĩ phu danh vọng là Trãi, Hãn, Xảo để lôi kéo cả nước đi theo lấy đc thiên hạ nhưng lấy đc rồi thì mâu thuẫn bắt đầu và 2 phái này thay nhau phò tá các hoàng tử tranh quyền đoạt vị tàn sát lẫn nhau. Cho đến sau gần 40 năm, khi công huân cựu thần đời đầu đã gần sạch, mối bất hoà giữa kiêu dũng địa chủ và quý tộc vũ dũng đã triệt tiêu cộng với bản thân Tư Thành văn nhân uy vũ hào hoa mà mưu lược, lại có quãng thời gian sống trong dân nên gần như hội tụ tinh hoa của cả 2 phía vì thế đã thống nhất mọi đối nghịch, tập trung quyền lực, thu phục anh tài xây dựng quốc lực vượt trội để có thể bắc cự Minh, nam diệt Chiêm, tây uy hiếp Ai Lao và đe doạ sự an toàn của Miến rồi trở thành bá chủ thời bấy giờ của Đông Nam Á lục địa.

//

Có lẽ đọc đến đây, nhiều bạn “nổi da gà” rồi đấy. Sử ta hay quá mà!

//

Bây giờ, hãy nói về một “lăng kính” của người đời về những hành động trên. Hãy nghe bạn Kiều Hân trả lời:

“Người nay đọc chuyện anh em tàn sát nhau thì ai cũng miệng bảo là ác nhân nhưng thật ra bây giờ cũng đầy những câu chuyện là anh em giết nhau vì tài sản vì mảnh đất đấy thôi. Huống chi là thời xưa và lại là chuyện tranh ngai vàng. Cái “ngai vàng” ấy vốn dĩ là quá hấp dẫn mà và cả những hào quang, thế lực từ nó nữa. Họ được sinh ra trong hoàng thất, từ nhỏ đã thấy những tranh giành, xu nịnh, giả dối từ hậu cung đến quan lại. Con cháu hoàng thất đâu được dạy bài học là yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Khi bạn làm vua thì mẹ bạn, vợ con bạn sẽ được sống sung sướng hơn, được bảo vệ hơn, và khi bạn không bảo vệ được ngôi vua ấy thì cũng chính là lúc mạng của những người thân quanh bạn cũng không giữ được. Đó là thời khốc liệt, nơi đó không tình thân, họ không tranh không được, họ không có cách giải thoát khỏi một chế độ, một tư tưởng. Vì một khi họ sụp đổ thì cũng là lúc tất cả người thân của họ, trợ thủ của họ cũng tàn theo.”

Đó cũng giống như bạn Đăng Quân đã viết “Ai giết ai không quan trọng. Quan trọng là lên ngôi rồi thì người ta tưởng nhớ đến bậc đế vương như là “ơn trời” hay là “tội đồ” mới là quan trọng. Ở biến Huyền Vũ Môn Trung Hoa, Lý Thế Dân cũng giết 2 người anh em ruột của mình đấy thôi. Nhưng người đời có nào kêu ca về cái tội ấy?”

Dân không thờ sai ai bao giờ! Lòng dân hướng về người đã đem đến no ấm cho dân, đã yêu dân như yêu con.

Lời kết

Hôm nay, có lẽ rằng một bức màn của chương sử tranh chấp ngôi báu gay cấn và đẫm máu nhất lịch sử Việt Nam đã được vén ra. Dù có thể không phải là một công trình nghiên cứu chuyên sâu, khoa học, nhưng tôi tin đó là những bài viết có giá trị.

Cảm ơn tất cả mọi người, những người đã viết và những người đã đọc.

Nguồn: The X-File of History

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *