Hồ Quý Ly: Bản bi hùng ca của hoàng đế sinh nhầm thời

Để bắt đầu về Hồ Quý Ly, tôi sẽ dẫn các bạn đến một quy luật lịch sử, quy luật đau đớn nhất nhưng cũng bản lĩnh nhất. Đấy là câu nói “thắng làm vua, thua làm giặc”. Bạn nghĩ câu này là gì? Một câu cửa miệng của các bạn, một câu phản biện của các bạn cho những nhân vật lịch sử bị đánh giá sai, một câu bình thường đến mức các bạn tin rằng nó đương nhiên chẳng có gì ở đó. Sai! Sau bài này, các bạn sẽ thấm câu đó.

“Thắng làm vua, thua làm giặc” chính là 6 chữ bản lĩnh nhất của những thằng đàn ông dám làm dám chịu, hoặc của những người đàn bà dấn thân vào cuộc chơi của đàn ông. Khi bước vào cuộc tranh đoạt, dù là vương vị trên vạn người (câu chuyện lịch sử), hoặc một vị trí là trưởng phòng của công ty (xã hội hiện tại), thằng đàn ông có chí khí đều hiểu: hoặc là vinh quang lên đến nấc thang mới, hoặc bị vùi lấp vào bùn đen như kẻ phản diện. Bất kỳ kết quả nào, đó là cái giá của kẻ dám chơi, và dám chịu. Và bạn, đừng đánh giá một người thất bại trong cuộc đấu đá ở đẳng cấp cao là dở. Kẻ dám đấu đá ở vị trí “được ăn cả, ngã về không” là kẻ có bản lĩnh rồi. “Thắng làm vua, thua làm giặc” chính ở đó. “Vua” đương nhiên giỏi. Không giỏi sao thắng? Nhưng đừng đánh đồng “giặc” là kém, “giặc” chưa chắc đã kém tài năng, kém bản lĩnh, chỉ là số phận không chọn họ.

Chuyện tương tự đấy là việc Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Đó chính là cái cuộc chơi của Hồ Quý Ly. Nhưng cuộc chơi này lại rất tương đồng với một cuộc chơi khác diễn vào thế kỷ XI. Bạn biết tôi đang nói đến ai không? Là cuộc tranh đoạt của Lê Hoàn trước ngôi báu của vua Đinh. Hồ Quý Ly có cướp ngôi của nhà Trần không? Câu trả lời đương nhiên là có rồi! Vậy Lê Đại Hành có cướp ngôi của nhà Đinh không? Cùng là 1 hành động cướp ngôi, sao số phận họ ngược nhau như thế? Một người là tội nhân thiên cổ, người kia nằm trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất Việt Nam.

Đáp án: Lê Hoàn thắng quân phương Bắc còn Hồ Quý Ly thua quân phương Bắc. Đấy, “thắng làm vua, thua làm giặc” chính ở đó đấy. Ngày Hồ Quý Ly lật ngôi nhà Trần để lập nên nhà Hồ, đổi tên nước là Đại Ngu và xây Thành nhà Hồ ở Thanh Hóa, cũng là cũng là lúc ông hiểu Đại Minh sẽ tiến quân vào Thăng Long. Tại sao? Các bạn chú ý nắm vấn đề này, sách giáo khoa không nói cho các bạn biết đâu:

– Việt Nam và Trung Quốc có một mối uyên nguyên rất lớn. Việt Nam dù độc lập nhưng vẫn phải triều cống. Trung Quốc là thiên triều. Và khi có 1 hoàng đế Việt Nam đăng cơ, thường phải qua báo cáo qua bên Trung Quốc.

– Điều 1 để đưa đến điều 2. Khi có sự nổi loạn ở trong lòng Việt Nam, Trung Quốc luôn nhân danh chính nghĩa thiên triều để phán xét. Nếu tên làm càn ok thì nhắm mắt làm ngơ, hoặc tên làm càn thắng được mình trong cuộc đấu quân sự thì mảnh đất ấy là của hắn, còn không thì “thịt” luôn.

– Vì TQ luôn coi VN như là mảnh đất của hắn, còn lá cờ “ủng hộ vua cũ/phản vua mới” chỉ là thứ lừa dân đen và bọn ngu phu ngu phụ mang danh học thức.

– Khi vua cũ bị cướp ngôi, điều đầu tiên kẻ đó làm sẽ là qua báo cáo với thiên triều kể lể tình cảnh “Em bị cái thằng đó nó đuổi khỏi nhà, anh hãy trả công bằng cho em”. Thiên triều nghe xong liền đưa quân qua.

Giờ đã hiểu gốc gác của việc Lê Hoàn, Hồ Quý Ly và Quang Trung đánh với giặc Tống, Minh và Thanh rồi chứ. Là ai dẫn đường? Ấy là vì những trung thành nhà Đinh, Trần Thiêm Bình và Lê Chiêu Thống xin “thượng quốc” đem binh trừng phạt kẻ kia, để trả lại ngôi báu cho họ Đinh, họ Trần và họ Lê. Nghiệt ngã quá đúng không? “Cõng rắn cắn gà nhà” nào chỉ có Lê Chiêu Thống! Kết quả: Lê Hoàn thắng, Quang Trung thắng, chỉ có anh Hồ Quý Ly là kém cỏi nên thua mất. Và anh thành “giặc” từ cái ngày ấy. Đấy chính là lịch sử của các bạn. Một lịch sử nghiệt ngã khi không tô hồng lên nó!

Trần Thiêm Bình, hãy nhớ cái tên ấy. Đó mới là tội nhân thiên thu của dân tộc này, chứ không phải là Gia Long Nguyễn Ánh mà các bạn đang phỉ nhổ hay Lê Chiêu Thống mà các bạn đang chê cười. Hãy nhìn kết quả đi: Gia Long Nguyễn Ánh mà bạn bảo “cõng rắn cắn gà nhà” đã tạo ra cho đất nước này một dải chữ S, đem về cho đất nước này các đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Còn cái tên Trần Thiêm Bình đã tạo ra cái cớ chính thống cho nhà Minh “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/vùi con đỏ xuống hầm tai họa”, đốt sách, bóc lột, cướp nước ta và phá hoại nguyên 1 mảng lịch sử của dân tộc này thì đã lãng quên đi. Đất nước ta từ Ngô Quyền đến Đinh Bộ Lĩnh đến Lý Công Uẩn đến Trần Hưng Đạo đã tạo nên một nền văn hóa lớn, tất cả đã bị Nhà Minh đốt sạch ngày tràn vào. Trong đó có gì bạn biết không? Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo! Vậy mà lịch sử lại bỏ quên đi cái tên đó, trong khi cứ đè đầu Lê Chiêu Thống, Nguyễn Ánh ra chê bai.

Chuyện vui chưa hết đâu. Trần Thiêm Bình là ai? Đó là Gia nô của Trần Tôn có tên thật là Nguyễn Khang. Trần Thiêm Bình chỉ là tên giả khi hắn dùng để tố cáo với vua Minh tội lỗi nhà Hồ khi tự nhận là con của Trần Nghệ Tông (tức là chính thất của nhà Trần). Còn Trần Tôn, chủ nhân của Nguyễn Khang – Trần Thiêm Bình là ai? Là một trong những tôn thất nhà Trần thời mạt vận tư thông với Chiêm Thành.Tại sao có Chiêm Thành ở đây? Nhà Trần thời thịnh trị thì uy phong đến mức đuổi được giặc Nguyên Mông, và thời mạt thì mạt tới mức mà bị Chiêm Thành nó đuổi tới tận Thăng Long và anh em con cháu họ Trần kẻ thì tư thông với Chiêm, kẻ kéo nhau qua ủng hộ giặc phương Bắc.

Chính những kẻ yếu hèn của tôn thất nhà Trần thời đại suy thoái đã “rước voi về giày mả tổ” chứ không phải Hồ Quý Ly gì hết. Ở đây Trần Thiêm Bình chỉ là kẻ trực tiếp tạo ra thảm cảnh. Nhưng gốc là những kẻ lãnh đạo dân tộc trong cơn khủng hoảng, chỉ để cứu cái vị trí “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ” (lời Trần Khánh Dư) mà sẵn sàng đánh đổi cả chủ quyền dân tộc để giữ lấy vị trí lãnh đạo của họ.

Không! Cuộc đời này không đơn giản vậy. Lòng tham đã che mờ đi quy luật của cuộc chơi chính trị. “Em trai à, ta không đưa hàng vạn quân Hy Lạp tới Troy vì cái sừng được cắm trên đầu em đâu!” (lời vua Hy Lạp Agamemnon nói với vua Menelaus trong cuộc chiến Troy). Ngày đánh bại nhà Hồ, việc đầu tiên người Trung Quốc làm là đăng cáo thị gọi tất cả tôn thất nhà Trần đến. Những kẻ vì tiền, vì quyền lợi bản thân mà quên đi dân tộc ấy hí hửng tới nơi với hy vọng nhận chức tước và ngôi báu. Nhà Minh khi điểm danh đầy đủ đã cười nhạt và ép những kẻ ấy ký vào tờ khai rằng “vì đất An Nam vốn là đất Giao Châu ngày trước, nay xin đặt quận huyện như cũ.” Tham vọng nhà Minh là diệt Đại Việt, đồng hóa vào Trung Quốc, bóc lột và o ép xem như nô lệ, chứ ko phải cho kẻ lãnh đạo được làm lại lãnh đạo. Cho nên những chí sĩ của nhà Trần, đến tận ngày cuối khi phát hiện ra bộ mặt thật của nhà Minh, vì quá phẫn uất và hối hận, đã gieo mình xuống sông tự vẫn. Có lẽ, họ đã cứu vãn được một chút danh dự cuối cùng.

Lịch sử là bài học của tiền nhân. 600 năm trước đã sai điều ấy. 600 năm sau tuyệt đối không được làm bậy. Tất cả chúng ta đều đã trách oan Hồ Quý Ly, rằng ông đã tạo cái cớ cho TQ mò vào. Không phải. Nhà Minh sẽ không mò vào nếu không được mời. Với nhà Minh thì Hồ hay Trần làm vua không quan trọng, vấn đề của họ là Đại Việt có sẵn sàng làm điểm giao thương gián tiếp cho họ đi buôn bán xuống phía Đông Nam Á hay không mà thôi. Vì chính sách mới của nhà Minh khi lên thay cho nhà Nguyên (gốc Mông Cổ) chính là khôi phục lại giá trị của việc giao thương buôn bán sau “con đường tơ lụa”, nơi tiếp theo là con đường trên biển. Nhưng chính sự xuất hiện của Trần Thiêm Bình, họ đã đổi hướng sang xâm lăng. Và tồi tệ nhất chính là một nửa dân tộc nước Nam đã không biết phân biệt địch ta. Họ đã chê trách Hồ Quý Ly cướp ngôi mà không đi theo ông.

Ở đây, người dân bị mắc vào một sự mâu thuẫn. Nhà Trần là một gia tộc tuyệt vời thời thịnh trị, nhưng thời mạt vận của họ, đấy là một gia tộc tự nhận mình chim ưng, xem dân như vịt để ăn, một gia tộc gọi Trung Quốc qua cứu. Vậy mà gia tộc ấy lại được ủng hộ hơn so với Hồ Quý Ly. Lý do: dân không hiểu về họ Hồ. Qua đó ủng hộ nhà Minh (rất giỏi “tâm lý chiến” trong lá cờ “Phù Trần diệt Hồ”). Đến khi nhà Minh bắt cha con Hồ Quý Ly rồi, người dân mới nhận ra “Họ vừa đánh đổi một việc đỡ xấu, để đổi lấy việc xấu nhất, tồi tệ nhất”. Mà cái việc đỡ xấu của Hồ Quý Ly ấy là vì chưa nhìn ra được cái tốt sẽ xuất hiện sau đó nếu cải tổ thành công.

Tất cả đã bị đi theo một lối mòn lịch sử qua câu nói của Hồ Nguyên Trừng: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo mà thôi.” 600 năm rồi, ai hiểu cho câu nói ngày ấy của tướng quân Hồ Nguyên Trừng hay không? Câu nói ấy được giải thích là đánh giá tình hình nhà Hồ là “chính sự phiền hà” nên lòng dân không hướng về. Không đơn giản thế, nó chứa đầy uẩn ức trong đó. Bởi bạn để ý đi, kẻ đế vương khi đánh nhau chỉ lấy máu quân sĩ để tưới dưới chân thành, chứ đâu để ý lòng dân này nọ đâu. Chưa kể đặc thù của chính trị đó còn là dùng quyền lợi, bổng lộc để mua lấy sự trung thành. Câu nói hôm ấy chính là LỜI OÁN THÁN, khi vị cha đẻ của súng thần công này cầm gươm lên thành Đa Bang để nhìn thấy 20 vạn quân Minh được sự hậu thuẫn của một lượng lớn người Nam.

Tuy vậy, chẳng lẽ lỗi chỉ ở dân? Không có chuyện đó. Lỗi cũng ở Hồ Quý Ly. Không phải vì cải cách của ông, cải cách chỉ đẩy ông xa khỏi tầng lớp nhân sĩ quý tộc. Còn chuyện thua trận là bởi tầm nhìn quân sự của ông là cực kỳ hạn chế. Hồ Quý Ly chính là vị vua/vị tướng đánh trận kém cỏi nhất mà lên ngôi cao nhất của lịch sử Đại Việt. Hồ Quý Ly đánh đến đâu thua đến đấy, đến cả Champa mà đánh còn không nổi, bị nó đuổi chạy cho như vịt, thì đương nhiên càng không phải là đối thủ của 20 vạn quân Minh. Hãy để ý nhé, khi quân Trung Quốc tràn vào, Lê Hoàn ra Bạch Đằng đấu đá mai phục chí chóe. Quang Trung thì khỏi cần tính vào. Còn anh Hồ Quý Ly đi đắp cái thành Đa Bang, cho voi chạy ra tấn công, giặc bắn súng, đốt luôn voi, voi bị đốt hoảng quá chạy lui lại, phá cổng thành, nhà Hồ thua chạy. Đấy là mưu kế của kẻ văn nhân, ko phải kẻ tướng quân. Tiếp tục, khi bị bắt, Hồ Quý Ly cũng không có khí khái tuẫn tiết, mà chấp nhận bị giải về Trung Quốc. Ở ông chỉ có cái yếu mềm của 1 văn nhân.

Lòng dân và quân sự đều không theo Hồ Quý Ly. Nhưng hậu thế chúng ta khi nhìn lại ông, trong 7 năm ông đã sống và đã lao tâm khổ lực cho dân tộc như thế nào, tôi tin bạn sẽ thở dài tiếc nuối.

Tôi sẽ không bắt đầu bằng Hồ Quý Ly, tôi sẽ bắt đầu bằng cái tên Hồ Nguyên Trừng – người con cả của Hồ Quý Ly. Ông không đơn thuần là tướng quân, ông còn là một nhà khoa học, là nhà kỹ thuật quân sự, là một kỹ sư – kiến trúc sư xây dựng lỗi lạc, chưa kể còn là một nhà văn tài năng. Về văn, ông là ông tổ của thể loại hồi ký trong văn xuôi tự sự Việt Nam. Về quân sự, ông là người đã sáng chế và chỉ đạo chế tác súng thần cơ (hỏa pháo cải tiến) và thuyền cổ lâu (thuyền chiến lớn có hai tầng). Về xây dựng ông là tổng công trình sư của thành nhà Hồ, các con kênh và đường đê ở miền Bắc giai đoạn nhà Hồ cải cách. Thành nhà Hồ của Thanh Hóa có dịp hãy đến thăm. Những dòng miêu tả mà tôi trích ra đây, hãy nhớ để một ngày tận mắt chứng kiến di tích lịch sử cấp thế giới ấy:

“Toàn bộ mặt ngoài tường thành và bốn cổng chính được xây bằng những phiến đá vôi màu xanh, được đục đẽo tinh xảo, vuông vức, xếp chồng khít lên nhau. Các bức tường thành được ghép từ những khối đá lớn, có phiến dài tới hơn 6 m, ước nặng 20 tấn. Tổng khối lượng đá được sử dụng xây thành khoảng 20.000 m3 và gần 100.000 m3 đất được đào đắp công phu. Các phiến đá được đục đẽo vuông vức, công phu xếp đan xen theo hình múi bưởi để tránh rung chấn lớn như động đất. Giữa các phiến đá xây thành không có bất kỳ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm qua dù chịu rất nhiều tác động của địa chấn và bom đạn tàn phá. Điều đặc biệt là công trình kiến trúc đồ sộ, vững chắc như vậy mà quá trình xây dựng chỉ vỏn vẹn ba tháng (từ tháng 1/1397 đến tháng 3/1397).

Thời ấy chưa có công nghệ vận chuyển hay ghép đá gắn xi măng, vậy làm sao để những bức tường thành được xếp vuông vắn, thẳng đứng và tồn tại đến ngày nay? Điều gì đã giúp người thợ xưa với công cụ thô sơ lại có thể vận chuyển và xây nên tường thành bằng những phiến đá khổng lồ?”

Sau này các nhà khảo cổ học tìm được những viên đá bi tròn. Hóa ra Hồ Nguyên Trừng đã sử dụng kỹ thuật tời trong xây dựng hiện đại để vận chuyển đá. À quên, hiện đại thì dùng mô tơ điện. Nhưng cơ bản thì nguyên lý sức người ngày đó cũng theo định luật Acsimet “Tỉ lệ nghịch Đường đi – lực” của ròng rọc mà bạn học ở Vật Lý lớp 8. Hồ Nguyên Trừng chính là thiên tài trăm năm mới sinh ra một người của đất nước Việt Nam này. Điều này gợi cho bạn điều gì? Đây là bộ óc tư duy logic trong thời phong kiến. Một người coi trọng thực hành và Toán Lý Hóa hướng tự nhiên chứ không phải thi tài văn phú như các nho sĩ đương thời.

Ông đã sinh nhầm thời đại!

Cha ông thì sao? Hồ Quý Ly là một nhà cải cách. Tôi không dùng từ lớn, mà có lẽ nên dùng từ vượt tầm nhìn thì hay hơn đấy. Bạn tưởng tượng thế này nè, cái giai đoạn mà các ông nho sĩ mở miệng là ra câu đối, ông kia đối lại, thi Hương thi Hội thi Đình là làm bài phú vịnh hoa sen, hoa huệ thì Hồ Quý Ly đưa toán học vào thi. Ông phê phán nho giáo chuộng hình thức, thiếu thực hành, ông đẩy mạnh việc học lý thuyết đó để con em thực hành nhiều hơn. Nhiều người bảo Hồ Quý Ly gốc Chiết Giang, Đại Ngu là có ý hướng về Trung Quốc (Nghiêu Thuấn). Nhưng nếu vậy thì dâng 2 tay cho rồi chứ đánh nhau làm gì? Và nếu ông hướng về Trung, thì khi cải cách sao ông không khen Nho giáo thời Tống mà lại phê phán, không dùng tiếng Hán luôn mà lại muốn Việt Nam tự lực tự cường, đưa chữ Nôm vào dạy phổ thông (sau này chính Quang Trung cũng làm việc này). Trước giờ chỉ có Thăng Long mới có trường học công lập. Đến thời ông, các lớp học miễn phí tại các lỵ sở, phủ cũng được lập ra.

Đó là giáo dục, về y tế ông lập ra y tỳ để coi việc thuốc thang. Đấy là gì? Là bệnh viện thời nay đấy!

Hồ Quý Ly mạnh tay cải tiến bộ luật hình sự và cải tổ thuế. Sưu thuế nặng đè lên hồi nhà Trần bị giảm thiểu. Đặc biệt người không có đất, đàn bà góa và kẻ mồ côi được miễn thuế. Ông hạn chế số nô tỳ trong các điền trang (điều gây đụng chạm quý tộc Trần). Luận về kinh tế, cải tổ quan trọng nhất của Hồ Quý Ly chính là TIỀN GIẤY. Vâng, bạn không nghe nhầm. Vào cái giai đoạn mà cứ nén bạc, nén đồng cái cạch thì ông làm tiền giấy. Bởi theo ông, đồng là dùng cho quân sự, kỹ thuật, không phải cho tiền. Đây có phải là tư duy của thế kỷ 19, 20 không?

Hồ Quý Ly cũng sinh nhầm thời đại.

Điều mà tôi thích nhất trong xã hội của Hồ Quý Ly đấy chính là xã hội chỉ dành cho người tài và người công tâm, những kẻ bất tài vô dụng đều bị loại bỏ. Xã hội coi trọng người giỏi. Ai giỏi thì được trọng dụng.

Hẳn bạn còn nhớ bài Lý Thường Kiệt tôi viết về một nhân vật tên là Nguyễn An chứ? Hoạn quan Nguyễn An chính là người sinh ra trong thời đại coi trọng kỹ thuật và tài năng này. Hồ Nguyên Trừng đúc súng thần công, còn Nguyễn An trở thành tổng công trình sư xây dựng tứ cấm thành Bắc Kinh sau khi bị nhà Minh bắt về. Toàn là nhân tài kỹ thuật cả. Vậy mà ta mất cả. Buồn thay!

Lời kết

Chúng ta luôn nhắc về Duy Tân Minh Trị của Nhật Bản với sự ngưỡng mộ, nhưng chúng ta đã có một Minh Trị từ thế kỷ 15 rồi. Có điều hoàn cảnh lịch sử, hoàn cảnh thời đại, mà trên tất cả là cái bóng khổng lồ của nền văn minh Trung Hoa đang cường thịnh đã phủ bóng lên dân tộc Việt Nam giai đoạn ấy. Để rồi sự cải tổ như mặt trời của Hồ Quý Ly hóa ra chỉ là vệt đom đóm giữa đêm đen hoang mạc.

Khi bạn đọc được những gì mà tôi viết về Hồ Quý Ly ở trên, bạn sẽ hiểu trong cái thời đại mà nho sĩ còn đông đảo như thế, trong cái thời đại mà người dân còn bỡ ngỡ với những điều mới mẻ. Trách sao người dân không hiểu cho nhà Hồ. Nhà Hồ không có lòng dân không phải vì nhà Hồ không nghĩ cho dân, mà vì dân không hiểu những cải tổ của nhà Hồ.

Thời đại ấy, giai đoạn ấy, cả Đông Nam Á, cả Châu Á, cả Nhật Bản, đều không theo kịp tầm nhìn ông chứ nói gì người Việt Nam cùng thời đại. Ông thua không phải vì ông kém, mà vì tầm chính trị của ông vượt quá người, nó không rơi vào đúng thời đại. Để cuối cùng ông phải dùng cái “sở đoản” (cầm quân) đi đương cự quân Minh. Chứ chẳng có tướng tài nào bày mưu tính kế cùng ông bởi họ cứ nghĩ ông là kẻ bạo chúa vô đạo, chết đi cho xong.

Bi kịch vậy đấy! Thống hận vậy đấy!

***

Hãy nhớ những gì tôi viết đến giờ, bởi đó là những điều bạn sẽ còn ghi nhớ khi tôi viết tiếp phần 2:

VUA MINH MẠNG

Tại sao lại có vua Minh Mạng – người xuất hiện 400 năm sau? Bởi Minh Mạng cũng là một thiên tài sinh nhầm thời đại. Cái sinh của Hồ Quý Ly là sinh ra quá sớm. Cái sinh của Minh Mạng là sinh ra quá muộn.

Thời kỳ trị vì của Minh Mạng là thời đại rực rỡ nhất của nhà Nguyễn. Hãy nhớ lại bài tản mạn năm xưa của tôi:

“Dưới sự trị vì của người này, lãnh thổ Việt Nam là rộng lớn nhất lịch sử. Trở thành hai đế quốc mạnh nhất Đông Nam Á. Cùng với Xiêm La áp đặt ảnh hưởng lên Khơ Me.

Tự hào với những gì mình đạt được. Vị vua ấy đã đổi tên quốc gia là Đại Nam đầy ngạo nghễ. Người ấy chính là Nguyễn Phúc Đảm, niên hiệu Minh Mạng.

Tôi thường tiếc nuối hoàng tử Cảnh, vì vậy tôi luôn có chút đánh giá mang tính chủ quan cho hoàng tử Đảm của Gia Long. Trong thế kỷ 19, khi phong trào Tây học nở rộ mạnh mẽ, ngài lại chọn Nho giáo để phòng thủ. Và ta quên mất một điều: Nho giáo dưới thời ngài, quốc gia dưới thời ngài lại thịnh trị. Có lẽ rằng trí tuệ ấy đã sinh nhầm thời đại.

Hồ Quý Ly sinh trước 400 năm, còn Minh Mạng sinh muộn 400 năm. Họ không thể đổi vai cho nhau.

Lịch sử Việt Nam vì thế toàn những chữ “Nếu” đau lòng.”

© Dũng Phan
Saigon / 2016
Nguồn: The X-File of History


Xem bài phản biện của bạn Tuan Tran.

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *