Lời trăn trối của Hưng Đạo Vương
Hưng Đạo Vương làm quan đến đời vua Anh Tông thì xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh Tông có ngự giá đến thăm, nhận thấy ngài bệnh nặng, mới hỏi rằng:
“Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân Bắc lại sang thì làm thế nào?”
Hưng Đạo Vương tâu rằng:
“Nước ta thuở xưa, Triệu Võ Vương dựng nghiệp, Hán Đế đem binh đến đánh, Võ Vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Tràng Sa. Dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời.
Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền lương giúp đỡ, bấy giờ nước Nam đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà bên Tàu đang lúc suy nhược, cho nên ta đắp thành Bình Lỗ (thuộc Thái Nguyên) phá được quân nhà Tống, đó là một thời.
Đến đời nhà Lý, quân Tống xâm lăng, Lý Đế sai Lý Thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai Lĩnh. Quân hùng, tướng dũng, đó là có thế đánh được.
Kế đến bản triều, giặc Nguyên kéo đến vây bọc bốn mặt, may được vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đồng tâm mà đánh, mới bắt được tướng kia, cũng là lòng trời giúp ta mới được thế. Đại để, kẻ kia cậy có tràng (trường) trận, thời ta dùng đoản binh. Lấy đoản khắc chế tràng, phép dùng binh vẫn phải như thế.
Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nhưng nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị. Thời ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến mà đối địch. Ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến. Dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được.
Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.”
Anh Tông chịu lời ấy là phải.
Được mấy hôm thì ngài mất, vua cùng các quan ai nấy đều cảm thương lắm.
Theo “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim. Sách xưa chép truyện Hưng Đạo Vương cùng lời trối cho vua Anh Tông, và điều ấy là xác thực.