Tại sao Quang Trung đòi Lưỡng Quảng?

Đã bao giờ bạn tự hỏi điều đó?

Có bao giờ bạn đặt ra câu hỏi đó không?

Đọc lịch sử hãy biết đặt câu hỏi, và bạn có thể hiểu nhiều hơn những gì bạn đã có và đang có.

Để hiểu tại sao hoàng đế Quang Trung đòi Lưỡng Quảng chứ không phải đòi Vân Nam, đòi Bắc Kinh. Ta phải lùi lại trước đó 2000 năm.

Năm 257 TCN.

Một nhân vật đến giờ còn gây tranh cãi sẽ xuất hiện ở đây với các bạn hôm nay, đấy là Triệu Đà. Có thực Triệu Đà là giặc? Ông là giặc hay là tổ tiên của chúng ta.

Những gì tôi nói đến sau đây, sẽ tùy vào lăng kính mỗi người, không ép buộc.

Người trẻ Việt Nam được học bài đầu tiên về lịch sử nước Nam. Đầu tiên là những câu chuyện về Hồng Bàng, Kinh Dương Vương, Âu Cơ – Lạc Long Quân, rồi đến các vua Hùng. Sau câu chuyện về Vua Hùng sẽ là câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy. Nơi ấy có thành Cổ Loa, có nước Âu Lạc, có Thục Phán An Dương Vương

“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Đến nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.
– Thơ Tố Hữu

“Giặc” trong thơ Tố Hữu chính là Triệu Đà. Triệu Đà đã chiến thắng An Dương Vương, qua đó sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt.

Những gì các bạn đang thấy chính là nước Nam Việt. Hãy xem bản đồ đó và bạn sẽ thấy nước Nam Việt bao gồm những gì: Quảng Đông, Quảng Tây, và miền Bắc Việt Nam bây giờ.

Sử gia Việt Nam trong vòng 2000 năm cho tới thập kỷ 60 của thế kỷ 20 tất cả đều công nhận Triệu Đà. Người công nhận Triệu Đà không phải là người mà các bạn ở đây có quyền chửi bới. Người công nhận Triệu Đà chính là Nguyễn Trãi qua bản Bình Ngô Đại Cáo

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nên độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.”

Đinh là ai? Đinh Bộ Lĩnh, Lý là ai? Lý Công Uẩn, Trần là ai? Trần Cảnh – Trần Thủ Độ. Vậy Triệu là ai thế?

Đấy là Triệu Đà.

Bộ Đại Việt sử ký soạn bởi Lê Văn Hưu cũng chép từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Đại Việt sử ký chép lại:

“Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được”

Ngay cả bây giờ, dù sử gia có chép Triệu Đà là giặc, đền thờ ông vẫn xuất hiện ở một số tỉnh ở miền Bắc.

Giặc hay là tổ tiên?

Tiếp tục, năm 111, Nhà Triệu diệt vong, toàn bộ lãnh thổ Nam Việt thuộc về Nhà Hán. Đất Lưỡng Quảng lúc này nằm trong quận Giao Chỉ.

Bạn nghe rõ rồi chứ? Giao Chỉ của các đời Đường, Tùy… vẫn bao gồm cả Quảng Đông lẫn Quảng Tây. Sau này, những Hai Bà Trưng, Lý Bí, Triệu Quang Phục… dựng cờ khởi nghĩa trong khoảng 1000 năm Bắc Thuộc chính là lấy lại Nam Việt ngày nào. Bạn không tin? Năm 43, Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, một lực lượng đi theo bà chính là cư dân vùng Hợp Phố – Trung Quốc.

Văn Lang là tập hợp những bộ lạc, Âu Lạc vẫn còn manh múng. Tại sao nước ta 1000 năm vẫn quyết phản kháng? Ngoài văn hóa và con người Giao Chỉ – Việt Nam xưa nay, có phải cũng vì một đế chế nữa tạo lập nên cho dân vùng đó một sự quật cường đòi lại nguồn gốc không?

Năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán và chấm dứt 1000 năm Bắc Thuộc. Nhưng Ngô Quyền vì lực mỏng chỉ dừng ở Đại La. không tiến ra Quảng Đông – Quảng Tây để lấy lại phần đất đó nữa. Kể từ hôm ấy, Quảng Đông – Quảng Tây dần dần thuộc về Trung Quốc.

Nhưng có 1 người không chấp nhận điều đó.

Đấy là kẻ hùng tài đại lược, bất khả chiến bại sinh ra sau đó 800 năm: Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Bạn hiểu tại sao Quang Trung đòi Lưỡng Quảng rồi chứ? Ai rảnh mà tự nhiên trời ơi đất hỡi đi đòi đất? Và không đòi cái gì lại chọn Lưỡng Quảng mà đòi. Bởi thời đại Quang Trung vẫn coi Triệu Đà là tổ. Và đất của tổ tiên là cần lấy lại.

“Ðất nước Việt Nam có khi thịnh khi suy, lịch sử Việt Nam có khi hưng khi phế, thế hệ trước không giữ được Hoàng Sa nhưng không phải vì thế mà Hoàng Sa trở thành đất của Trung Quốc hay của bất cứ một quốc gia nào khác. Dân tộc Việt Nam, các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau phải nhớ rằng: Bất cứ khi nào các điều kiện kinh tế, chính trị và quân sự cho phép, một trong những việc đầu tiên là phải lấy lại Hoàng Sa.”

Slogan của diễn đàn Hoàng Sa cũng là một kiểu nhắc nhớ như chính Quang Trung ngày xưa vậy. Ngày ông tin rằng với tài năng và bá khí của mình, sẽ lấy lại đất cho tổ tiên.

Vậy tại sao có sự tranh cãi như hôm nay, và chính ngay cả tôi viết bài hôm nay cũng chỉ cho các bạn một cách nhìn và một sự hiểu biết thêm về lịch sử chứ không bảo các bạn đi đòi đất. Bởi khi công nhận Triệu Đà là ta gián tiếp công nhận Lưỡng Quảng là của nước ta. Điều này rất vô lý ở thời điểm bây giờ. Sau hội nghị Ianta về chấm dứt chiến tranh thế giới thứ 2 cùng sự ra đời của tổ chức Liên Hợp Quốc, mọi thứ lãnh thổ đất liền cơ bản đã được xác nhận. Đấy là sự tiến hóa của nhân loại và sự phân chia đâu ra đó để ngăn cản chiến tranh.

Ok, thích lấy Quảng Đông hả? Cứ lấy, và trả một phần miền Nam Bộ cho Campuchia. Chứ đâu ra cái chuyện ăn trên đầu trên cổ người ta. Đất mình mất thì đòi lại, đất mình lấy thì giữ luôn. Sự tiến hóa của nhân loại là để các bản đồ được giữ nguyên hiện trạng như bây giờ.

Về điểm này mà nói, các sử gia miền Bắc khi kể chuyện Mị Châu đã cố gắng tránh điều này, trong giai đoạn nhạy cảm về các mối quan hệ chính trị – ngoại giao. Đấy là một điểm đúng trong giai đoạn đó. Bây giờ mọi thứ đã tương đối ổn định, ta cũng nên lật ra để bàn luận nhằm hiểu lịch sử hơn.

Hôm nay tôi lai rai chuyện lịch sử này vốn là để các bạn hiểu vì sao Quang Trung đòi Lưỡng Quảng, vốn là cho các bạn biết về một trang sử bị bỏ quên của dân tộc, và qua đó hiểu hơn về những di chỉ thời cổ đại cùng mối uyên nguyên của nước ta và Trung Quốc. Chính cái mối uyên nguyên này để ta có cách nhìn rõ ràng hơn về ông hàng xóm béo bụng đó, về liên hệ giữa ta và họ và qua đó có cách nhìn rõ hơn cho hôm nay.

Chúng ta chỉ có thể đi đến tương lai trên nền tảng vững chắc về lịch sử. Đấy là điều tôi gửi gắm qua bài viết.

Nguồn: The X-File of History

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *