Người Thăng Long xưa phòng hỏa hoạn ra sao?

Trích cuốn “A supplement to the Voyages Round the World”, William Dampier, 1688.

William Dampier là một nhà hàng hải viết rất nhiều sách về du hành khám phá, trong đó có Việt Nam!

Tranh vẽ Thăng Long Kẻ Chợ
Tranh vẽ Thăng Long Kẻ Chợ

1. Dân Kẻ Chợ xây lò tránh lửa để chứa đồ

Thành Phố Thủ Đô Cachao (Kẻ Chợ tức Thăng Long Hà Nội xưa), nằm trên vùng đất cao cách bờ biển 80 dặm, trên bờ Tây của con sông, và nằm trên một vùng đất khá bằng phẳng, nhưng hơi cao lên, cũng trống như thế, không có tường, bờ, hay hào.

Ở Cachao có lẽ có khoảng 20000 nhà. Những ngôi nhà này thường là thấp, tường của chúng làm bằng bùn, lợp mái tranh, nhưng cũng có nhà xây bằng gạch, lợp ngói phẳng (pan-tiles). Phần lớn những ngôi nhà này có vườn (yard), hoặc sân sau (back-side). Trong mỗi vườn ta có thể thấy một kiến trúc nhỏ có vòm xây gần giống cái lò (oven), cao khoảng 6 foot, có miệng ở dưới đất. Nó được xây từ đầu đến chân bằng gạch, bên ngoài trát một lớp dày bùn đất. Nếu nhà nào không có vườn, thì họ cũng vẫn có lò như thế này, nhưng nhỏ hơn, đặt ở giữa nhà. Rất ít nhà trong thành phố không có một cái.

Công dụng của nó là để ném đồ quý vào trong khi có cháy: vì những ngôi nhà thấp lợp tranh này rất dễ cháy, nhất là vào mùa khô, chỉ thoáng cái là tiêu hủy rất nhiều nhà, nên thường là họ có rất ít thời gian để nhét đồ vào các cái lò vòm này, mặc dù là rất gần thôi.

==========================================

2. Cách chữa cháy

Vì ai cũng có cái sáng chế này để gìn giữ đồ của riêng mình, chính quyền đã cẩn thận ban bố các biện pháp cần thiết được dùng để tránh hỏa hoạn, hoặc chữa cháy trước khi nó lan rộng. Đầu mùa khô mỗi một người phải đặt một chum nước lớn trên nóc nhà, sẵn sàng đổ xuống khi có cháy. Ngoài ra, mỗi người còn phải có một cái gậy dài, có đồ đựng (basket or bowl) ở đầu để múc nước dập lửa. Nếu lửa quá to khiến cả hai phương án trên đều thất bại, thì họ phải cắt các sợi dây buộc mái tranh, cho nó tuột từ xà xuống đất. Việc này không khó, vì mái tranh này không lợp như mái của chúng ta, cũng không được buộc bằng từng cái lá riêng như ở Tây Ấn và nhiều vùng ở Đông Ấn, nơi người ta lợp mái bằng lá cọ; mà được ghép thành từng tấm rộng 7 – 8 foot vuông, trước khi đặt lên mái, nên chỉ cần 4 – 6 tấm tùy độ lớn của nhà là đủ lợp một bên mái; và những tấm này chỉ được buộc ở một vài chỗ trên khung nhà thôi (rafters and rattans), dễ dàng một lúc cắt được và thả nửa tấm lợp mái. Những tấm này cũng tốt hơn mái tranh rời (loose thatch), vì chúng dễ xử lý hơn, trong trường hợp có cái nào rơi lên hoặc rơi cạnh cái lò chứa đồ; chúng dễ dàng được kéo đi nơi khác. Các nhà liền kề theo cách này có thể được tháo mái nhanh chóng, trước khi lửa lan đến, và các tấm tranh được mang đi, hoặc không thì cũng để cho cháy hết. Để làm thế mỗi người có một cây gậy hoặc cây tre đặt ở cửa, có lưỡi câu liêm (cutting hook) ở đầu, chuyên dùng để tháo mái nhà; và nếu có người nào không có chum nước, gậy múc nước, câu liêm trong nhà, thì sẽ bị phạt nặng vì sự xao lãng này. Họ rất nghiêm túc trong việc này; vì ngay cả khi đã cẩn trọng đến vậy mà họ vẫn rất hay gặp hỏa hoạn.

Nguồn: daivietcophong.wordpress.com

You may also like...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *